Buôn lậu ngà voi tăng mạnh năm 2009

ThienNhien.Net – Theo bản phân tích dữ liệu tịch thu ngà voi mới nhất của Hệ thống Thông tin Buôn bán Voi (ETIS), số lượng các vụ buôn bán ngà voi bất hợp pháp đã gia tăng từ năm 2004 và tăng mạnh vào 2009. Việt Nam cũng được coi là một trong những đầu mối quan trọng của hoạt động buôn bán trái phép này.


ETIS – nơi tập hợp thông tin các vụ bắt giữ ngà voi lớn nhất thế giới – là một trong số các hệ thống quản lý voi trực thuộc Công ước về Buôn bán Quốc tế các loài Động Thực vật Hoang dã Nguy cấp (CITES) nằm dưới sự quản lý của Mạng lưới Giám sát Buôn bán Động Thực vật Hoang dã Toàn cầu (TRAFFIC).

Bản phân tích nói trên dựa trên dữ liệu về 14.364 vụ tịch thu ngà voi của 85 quốc gia và vùng lãnh thổ từ năm 1989, nhiều hơn gần 2.000 vụ so với bản phân tích trước đó vào năm 2007.

Sự bùng lên của hoạt động buôn bán ngà voi năm 2009 phản ánh qua hàng loạt các vụ tịch thu ngà voi qui mô lớn, cho thấy ngày càng nhiều băng nhóm tội phạm có tổ chức tham gia vào hoạt động trái phép này. Chúng kết nối các nước cung cấp ngà voi ở châu Phi với các thị trường tiêu thụ ở Châu Á. Dữ liệu ETIS cũng cho thấy những băng nhóm tội phạm này đã mạnh hơn và chủ động hơn trong thập kỷ qua.

Trên thực tế, giữa các thị trường ngà voi nội địa quy mô lớn ở Châu Á, châu Phi với việc thực thi pháp luật kém hiệu quả có một mối liên hệ rất khăng khít. 

Tình trạng mua bán ngà voi bất hợp pháp gia tăng cũng cho thấy việc thực hiện “Kế hoạch hành động kiểm soát buôn bán ngà voi ở châu Phi” của CITES đã không tạo nên biến chuyển nào trong 5 năm qua.

Bản phân tích của ETIS đã xác định Ni-giê-ri-a, Cộng hòa Công gô, Thái Lan là ba quốc gia dính líu nhiều nhất tới các vụ mua bán ngà voi bất hợp pháp. Ngay từ bản đánh giá đầu tiên vào năm 2002, các quốc gia này đã là những thị trường được quan tâm đặc biệt và hiện vẫn tiếp tục là những điểm nóng với vai trò là nguồn cung cấp, nhà trung gian và nơi tiêu thụ ngà voi.

9 quốc gia và vùng lãnh thổ khác – Ca-mơ-run, Ga-bông và Mô-dăm-bích ở châu Phi, Hồng Kông, Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin, Xinh-ga-po, Đài Loan và Việt Nam của châu Á cũng được coi là những đầu mối quan trọng trong thị trường buôn bán ngà voi bất hợp pháp.

Trung Quốc, cùng với Nhật Bản, là thị trường đã được CITES cho phép nhập khẩu ngà voi vào năm 2008, hiện phải đối mặt với thách thức mua bán ngà voi bất hợp pháp từ những người dân Trung Quốc sống ở châu Phi. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sự tham gia của những người Trung Quốc ở nước ngoài vào hoạt động mua bán ngà voi phi pháp.

Kết quả này cho thấy những tác động khác nhau trong hai lần CITES thừa nhận thị trường giao dịch ngà voi hợp pháp vào năm 1999 và 2008 đối với Nhật Bản và Trung Quốc.

Sau khi Nhật Bản được CITES cho phép nhập khẩu ngà voi năm 1999, nạn mua bán ngà voi bất hợp pháp đã sụt giảm đáng kể trong 5 năm và không có dấu hiệu nào cho thấy thị trường này khiến giao dịch ngà voi bất hợp pháp toàn cầu tăng lên.

Nhưng với Trung Quốc – quốc gia thứ hai được CITES chấp thuận nhập khẩu ngà voi cuối năm 2008, thị trường buôn bán ngà voi thay vì giảm nhiệt đã nóng lên trông thấy. Việc thu thập nhiều dữ liệu hơn có thể sẽ giúp làm sáng tỏ tác động từ quyết định của CITES: liệu quyết định này có kích thích nhu cầu ngà voi tăng lên hay việc lượng cung tăng suốt 4 năm qua chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.