Rừng phía Bắc bị xâm hại nghiêm trọng

ThienNhien.Net – Theo nhận định của Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), áp lực về dân số tăng cơ học như di cư tự do ở các vùng có rừng của nước ta là nguyên nhân chủ yếu của nạn phá rừng, bình quân mỗi năm gây thiệt hại tới 5.000 ha. Riêng các vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng cũng gia tăng đáng kể từ đầu năm đến nay, đặc biệt là trên địa bàn các tỉnh phía Bắc đã phát hiện gần 10.200 vụ. Tỉnh phát hiện nhiều nhất là Tuyên Quang với gần 1.500 vụ, tiếp đến là Sơn La hơn 1.200 vụ, Thái Nguyên 1.089 vụ…


Cũng trong thời gian qua, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện 1.036 vụ phá rừng trái phép, làm thiệt hại 353ha rừng.

Vì lợi ích trước mắt, người dân sinh sống ở khu vực có rừng đã phá rừng lấy đất canh tác, trồng cây công nghiệp có thu nhập cao hơn. Đặc biệt, nạn sang nhượng đất với giá cả từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/ha diễn ra khá phổ biến; hoặc đòi các chủ dự án phải bồi thường chi phí khai hoang… Thêm nữa, tại một số địa phương đã xảy ra xung đột, tranh chấp đất đai giữa người dân địa phương với các chủ rừng và chủ dự án được phép chuyển mục đích sử dụng rừng hoặc cải tạo rừng, làm phức tạp tình hình an toàn xã hội.

Trong Hội nghị Công tác quản lý bảo vệ rừng khu vực phía Bắc diễn ra ngày 10/11 tại Tuyên Quang vừa qua, vấn đề tăng cường quản lý bảo vệ rừng khu vực phía Bắc được nhiều đại biểu quan tâm và thảo luận.

Hiện nay, tình trạng khai thác, vận chuyển, chế biến gỗ, lâm sản trái pháp luật ngày càng tinh vi, phức tạp, hành vi khai thác gỗ trái phép thường diễn ra ở địa phương còn nhiều rừng tự nhiên có gỗ có giá trị kinh tế cao… Đặc biệt, tình trạng chống người thi hành công vụ diễn ra ngày càng gay gắt, gây hậu quả nghiêm trọng.

Mặt khác, các lâm trường quốc doanh, ban quản lý rừng phòng hộ và rừng đặc dụng trong cả nước quản lý trên 6 triệu 500 nghìn ha rừng, nhưng năng lực quản lý, bảo vệ hạn chế. Nhất là khi các lâm trường quốc doanh sau khi sắp xếp lại, chuyển thành các công ty vẫn không đủ sức bảo vệ rừng được giao, không có cơ chế tạo nguồn thu ổn định cho các chủ rừng nên rừng vẫn bị tàn phá. Mặt khác, các chủ rừng là chủ hộ, cá nhân và các tổ chức xã hội khác đang quản lý trên 4 triệu ha rừng hầu hết quy mô nhỏ, nên họ cũng không thể tổ chức lực lượng bảo vệ hiệu quả số diện tích rừng được giao, khi rừng bị phá vẫn chưa quy được trách nhiệm cụ thể thuộc về ai.

Tại hội nghị, Cục Lâm nghiệp đã đưa ra nhiều biện pháp cấp bách quản lý bảo vệ rừng. Trước mắt, Cục sẽ tổ chức một đợt “chiến dịch bảo vệ rừng” trên phạm vi toàn quốc trong năm nay và quý I năm 2010 nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng, buôn bán, vận chuyển gỗ, lâm sản và chống người thi hành công vụ đang diễn ra phức tạp, lập lại trật tự kỷ cương trong công tác bảo vệ rừng.

Đổi mới nhận thức về công tác bảo vệ rừng tại cơ sở, xác định vai trò, trách nhiệm tổ chức bảo vệ rừng của chính quyền cấp xã được Cục Lâm nghiệp xác định là giải pháp cơ bản, lâu dài. Chuyển đổi phương thức tổ chức, hoạt động của kiểm lâm địa bàn xã để tham mưu cho chính quyền cơ sở trong công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp, theo dõi chặt chẽ diễn biến rừng; kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm ngay tại chỗ.

Bên cạnh đó, Cục Lâm nghiệp sẽ tăng cường phối hợp với các lực lượng khác như công an, quân đội, tư pháp, quản lý thị trường trong việc bảo vệ rừng, nhất là đấu tranh chống “lâm tặc”, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép; xử lý nghiêm minh, dứt điểm các vụ vi phạm.