ThienNhien.Net – Theo danh sách mới nhất của Sách Đỏ, 1/5 số loài động vật có vú, 1/3 loài lưỡng cư và bò sát cùng hơn 2/3 loài thực vật trên thế giới đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Theo Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), trong số 5 490 loài động vật có vú đã được xác định thì có 79 loài đã tuyệt chủng, 637 loài đang có nguy cơ tuyệt chủng và 505 loài được phân loại dễ tổn thương.
Sách Đỏ cũng chỉ ra rằng 70% số các loài được xác định, 35% loài động vật không xương sống, 37% loài nước ngọt, 30% loài lưỡng cư, 28% loài bò sát và 12% loài chim đang gặp nguy hiểm. Sự sống của tổng số 17 921 loài đang lâm nguy.
Craig Hilton-Taylor, Ban Sách Đỏ IUCN cho biết: “Những kết quả này chỉ là một phần nhỏ. Vẫn còn có hàng triệu loài chưa được xác định có thể cũng đang bị đe doạ nghiêm trọng. Và chúng ta phải bắt đầu công việc cứu các loài ngay bây giờ trước khi quá muộn”.
Sách Đỏ năm nay bổ sung thêm 293 loài bò sát, riêng Philipin chiếm 165 loài. Đất nước này có loài kì đà Panay (Varanus mabitang) hiện bị đe dọa mất nơi cư trú bởi nạn chặt phá rừng canh tác và săn bắn.
Loài Voalavo ở miền Đông, một loài thuộc họ gặm nhấm trên núi rừng nhiệt đới Madagascar cũng được đưa vào danh sách đang bị đe dọa do người dân đốt nương phát rẫy.
Trong số các loài lưỡng cư, cóc hoa Kihansi từng được xếp loại bị đe dọa nghiêm trọng hiện đã tuyệt chủng trong tự nhiên. Nguyên nhân là các đập nước tại thác Kihansi (Tanzania) đã làm chuyển hướng tới 90% lượng nước chảy vào nơi loài cóc sống. Chưa hết, loài cóc này còn bị ảnh hưởng bởi một căn bệnh do nấm Chytridiomycosis gây ra.
Rất nhiều loài lưỡng cư trên thế giới cũng bị đe dọa bởi căn bệnh này. Bệnh nấm Chytridiomycosis bắt đầu từ năm 2006 cũng đẩy loài nhái bén có viền ở chi ở miền trung Panama vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng. Mặc dù còn vài cá thể sống hoang dã, nhưng chương trình nuôi dưỡng và cho sinh sản của các nhà khoa học không thành công.
Trong số 2 639 loài động vật không xương sống đang bị đe dọa có 1 360 loài cá chúa và chuồn chuồn mới được bổ sung, trong đó loài chuồn chuồn sặc sỡ khổng lồ ở Đông Nam Nigeria và Tây Nam Cameroon được xếp vào nhóm dễ bị tổn thương do ảnh hưởng của nạn phá rừng.
Jane Smart, giám đốc nhóm Bảo tồn Đa dạng sinh học của IUCN cho biết ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học về cuộc khủng hoảng tuyệt chủng nghiêm trọng của thế giới hoang dã. Năm 2010 là năm Đa dạng sinh học Quốc tế, song bảng phân tích gần đây nhất của Ban thư ký Sách Đỏ IUCN cho thấy mục tiêu hạn chế tình trạng giảm đa dạng sinh học năm 2010 sẽ không thực hiện được.
IUCN cũng kêu gọi chính phủ các nước sớm đưa việc bảo tồn, cứu các loài động vật và thực vật khỏi nguy cơ tuyệt chủng vào chương trình nghị sự quốc gia vì chúng ta không còn nhiều thời gian nữa.