ThienNhien.Net – "Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả là một biện pháp hàng đầu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; bảo vệ môi trường và ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra." Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh trong buổi làm việc chiều 07/11 của Quốc hội tại Hội trường khi trình bày Tờ trình Dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Tại buổi làm việc của Quốc hội chiều 07/11, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương – Vũ Huy Hoàng đã trình bày Tờ trình dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong đó nhấn mạnh, việc xây dựng và ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm xác định rõ trách nhiệm, tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và năng lực thực thi pháp luật của các cơ quan, đơn vị cũng như tăng cường vai trò trách nhiệm của cơ sở sử dụng năng lượng, phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế.
Luật này sẽ thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, tiêu dùng, giảm mức đầu tư rất cao hiện nay cho sản xuất năng lượng, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá, tác động đến phong cách sống của mỗi người dân. Bên cạnh đó, Luật sẽ là một trong những căn cứ để cụ thể hoá mục tiêu tiết kiệm là quốc sách, tiết kiệm năng lượng đi cùng với phát triển năng lượng, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là sự dâng cao của nước biển.
Hiện nay, để tạo ra 1.000 USD GDP, ở Việt Nam phải tiêu tốn khoảng 600 kg dầu quy đổi, con số này hiện đang cao gấp 1,5 lần so với Thái Lan và gần gấp 2 lần so với mức bình quân chung của thế giới. Ngành điện Việt Nam mỗi năm phải tăng trưởng đến 15 – 17% mới đáp ứng được yêu cầu tăng 6 – 8% GDP, trong khi bình quân thế giới để tăng 1% GDP thì cũng chỉ tăng 1,2 – 1,5% năng lượng tiêu thụ.
Theo đánh giá của Bộ Công thương và Bộ Khoa học – Công nghệ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp có tiềm năng tiết kiệm năng lượng đến 20%; ngành xây dựng dân dụng và giao thông vận tải có thể tiết kiệm tới 30%; sinh hoạt và dịch vụ cũng có tiềm năng tiết kiệm không nhỏ.
Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được chứng minh là biện pháp đầu tư hiệu quả, chi phí bỏ ra để tiết kiệm được 1 kWh điện năng ít hơn nhiều so với chi phí đầu tư để sản xuất ra 1 kWh trong các nhà máy điện.
Với 7 chương, 46 điều Dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng các quy định, chính sách của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Việc lập kế hoạch dài hạn cấp quốc gia và địa phương, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở sử dụng năng lượng cũng như Chủ tịch UBND các tỉnh thành; Quản lý đối với phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng; Hoạt động sử dụng năng lượng trong đời sống dân cư và hành vi nghiêm cấm khác.
Mặt khác, Dự thảo Luật cũng quy định nguyên tắc để điều chỉnh các đối tượng sử dụng năng lượng, phối hợp đồng bộ với các biện pháp tuyên truyền, khuyến khích và bắt buộc, đặc biệt với những đối tượng sử dụng nhiều năng lượng.
Theo đó, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, và cho rằng, việc ban hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một nhu cầu cấp bách trong tình hình nước ta hiện nay. Bởi đây là biện pháp hàng đầu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra cũng nêu rõ, để Luật có tính khả thi cao, ban soạn thảo cần bổ sung, cụ thể hóa hơn nữa những quy định liên quan đến quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, trách nhiệm và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân; quy trình và thủ tục thực hiện các quyền, nghĩa vụ đó. Bên cạnh đó, cần tham chiếu văn bản pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, điện lực, giao thông, xây dựng và các văn bản pháp luật khác có liên quan để nâng cao tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; từ đó nâng cao tính khả thi của Luật.
Một số ý kiến khác cũng đề nghị Luật cần phải điều chỉnh các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong toàn bộ quá trình bắt đầu từ khai thác, sản xuất ra các nguồn năng lượng cho đến khâu sử dụng năng lượng cuối cùng.