ThienNhien.net – Giữa tháng 10 vừa qua, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm hợp tác với Vườn thú Cologne (CHLB Đức). Thành tựu của 10 năm hợp tác giữa các nhà nghiên cứu khoa học của Vườn thú Cologne (Đức) lừng danh với Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (PN-KB) chính là sự phát hiện 14 loài bò sát lưỡng cư và 10 loài cá mới. Đặc biệt, việc phát hiện loài Bách xanh núi đá cùng 3 loài lan Hài dưới tán của nó, đã gây sửng sốt cho thế giới.
Năm 1998, lần đầu tiên làm việc tại PN-KB, TS Theo Pagel, Giám đốc Vườn thú Cologne, khẳng định: “Chúng tôi muốn làm việc ở nơi này, một thiên đường còn lại ở Việt Nam”. Lúc đó, ông trực tiếp đi thị sát và phát hiện ra rằng, PN-KB tiềm ẩn những bí mật của tự nhiên mà các nhà khoa học thế giới chưa kịp khám phá.
Vào năm 1999, trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Vườn thú Cologne đã hình thành ý tưởng cho nỗ lực hợp tác bảo tồn ở Đông Nam Á, Bản thỏa thuận đầu tiên giữa UBND tỉnh Quảng Bình, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên – Môi trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã được ký kết. Theo đó, dự án Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của Vườn thú Cologne “có mặt” tại Vườn quốc gia PN-KB. Các nhà khoa học của Cologne đã tập trung vào lĩnh vực bảo tồn tài nguyên, nghiên cứu đa dạng sinh học, các chương trình như cứu hộ và tái thả động vật hoang dã vào môi trường tự nhiên, bảo vệ rừng, phối hợp với Hội động vật Frankfurt thực hiện chương trình tái hòa nhập các loài linh trưởng nguy cấp tại Vườn quốc gia PN-KB, bảo vệ động vật hoang dã.
Mới đây nhất, năm 2008, Bản ghi nhớ 5 năm (2008 – 2013) đã được thực ký kết giữa hai bên tại tỉnh Quảng Bình tiếp tục thực hiện mục tiêu của dự án về các hoạt động bảo tồn tại Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.
Trong 10 năm qua, hợp tác giữa hai bên đã đạt được nhiều thành quả có ý nghĩa trong công tác bảo tồn và nghiên cứu khoa học tại Vườn quốc gia PN-KB. Đầu tiên là bảo vệ rừng, hạn chế mối de dọa tới tính đa dạng sinh học của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, chương trình bảo vệ rừng đã thiết lập các hoạt động tuần tra thường xuyên và kiểm soát nghiêm ngặt với sự phối hợp của lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng. Chương trình cứu hộ & thả động vật hoang dã đã có nhiều biến chuyển, năng lực cứu hộ ngày càng được nâng cao, cơ sở vật chất hạ tầng đã được cải thiện… Quy trình cứu hộ động vật hoang dã được thực hiện bởi cán bộ chuyên môn và tư vấn của chuyên gia Dự án Vườn thú Cologne theo chuẩn Quốc tế và Việt Nam, đã cứu hộ gần 500 cá thể động vật hoang dã và thả về môi trường tự nhiên nhiều loài quý hiếm của Việt Nam cũng như của Thế giới.
Tiếp đó, phải kể đến những thành công từ các đợt nghiên cứu điều tra, với việc phát hiện 14 loài bò sát, lưỡng cư mới. Công lao đó thuộc về các nhà khoa học đến từ Vườn thú Cologne và Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, như TS Theo Pagel, TS Thomas Ziegler, nhà nghiên cứu động vật học Vũ Ngọc Thành, TS Martina Vogt, Nghiên cứu sinh Lê Khắc Quyết cùng sự phối hợp tích cực với trách nhiệm cao của các chuyên viên nghiên cứu Vườn quốc gia PN-KB và người dân vùng đệm di sản thiên nhiên thế giới này. Đó là minh chứng rõ nét cho sự hợp tác thành công của hai bên.
Ngoài ra, việc xác nhận sự có mặt của 2.651 loài thực vật, phát hiện mới về quần thể Bách xanh cùng nhiều loài Lan hài mới cũng là những phát hiện quan trọng mang tính toàn cầu.
Nhờ đó, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã khuyến nghị xây dựng hồ sơ di sản cho PN-KB lần thứ 2 với những phát hiện có tính đa dạng sinh học trên.
Tại buổi lễ kỷ niệm, Ban quản lý VQG PN-KB cũng xác định cần thúc đẩy mối quan hệ giữa hai bên, nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực nghiên cứu và bảo tồn đa dạng sinh học đồng thời đẩy mạnh hơn nữa các chương trình giáo dục nhận thức, cho người dân địa phương và khách du lịch.
Có thể nói, chính các nhà khoa học thế giới đã góp phần vinh danh cho Di sản Thiên nhiên thế giới – Vườn quốc gia PN-KB. Trong tương lai, PN-KB rất cần sự hợp tác hơn nữa của các nhà khoa học trong và ngoài nước để có các giải pháp bảo tồn hiệu quả những giá trị về tài nguyên thiên nhiên quý giá nơi đây – một thiên đường đa dạng sinh học mang tính toàn cầu.