ThienNhien.Net – 77 cây gỗ bị đốn hạ vào tháng 9/2009 minh chứng thêm một lần nữa Khu rừng đặc dụng Mường Phăng lại bị phá.
Từ cuối những năm 90, khu rừng này đã bắt đầu bị lâm tặc tàn phá ở mức độ nặng nhẹ khác nhau. Sang đến cuối năm 2000, lợi dụng chủ trương cho phép khai thác tận dụng các cây gỗ bị chết khô, mối mọt, lâm tặc (thực ra là người dân địa phương) đã “tiện tay dắt dê”, chặt phá hàng chục cây gỗ to, có cây có đường kính trên 0,8m, với số lượng lên đến hàng chục mét khối.
Vụ việc trở nên phức tạp khi mùa khô năm 2003, hơn 70 hộ dân ở một số bản đốt rừng làm nương và gây thiệt hại mấy chục ha rừng. Nhiều doanh nghiệp và người dân còn lợi dụng khai thác hàng dăm chục cây gỗ lớn để làm nhà…
Khu rừng đặc dụng Mường Phăng (còn được gọi là “Rừng Đại tướng”, “Rừng chỉ huy”) thuộc xã Mường Phăng, huyện Điện Biên có tổng diện tích gần 300 ha, bao bọc toàn bộ di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, thuộc quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ. Tháng 8/2009, chiến trường Điện Biên Phủ được xếp hạng là 1 trong 10 “Di tích quốc gia đặc biệt”. |
Nhưng đến lần thứ tư thì lâm tặc ngang nhiên hơn. Không chỉ có 77 cây gỗ lớn bị đốn mà còn rất nhiều cây nằm ngay trên nóc hầm di tích Sở chỉ huy – nơi hàng tuần có hàng trăm lượt người tham quan cũng bị cưa đổ. Đáng chú ý là lần này có thể có sự góp mặt của cả một “đường dây” lớn, bao gồm nhiều bản cùng tham gia?
Theo tìm hiểu của Công An Nhân Dân, UBND huyện Điện Biên đã quyết định thành lập Tổ bảo vệ rừng khu di tích Mường Phăng để hạn chế việc phá rừng tại Mường Phăng, Tuy nhiên, chưa ai dám khẳng định là rừng Mường Phăng sẽ không còn “chảy máu”, nhất là khi cơ chế bảo vệ rừng nơi đây chưa được thỏa đáng.
Một nguồn tin trên báo cho biết, cùng một lúc, có đến 6 người trong tổ bảo vệ rừng Mường Phăng đệ đơn xin nghỉ vì cơ chế “10.000 đồng/ha rừng/năm” không đủ chi phí cuộc sống cho họ. Trong khi đó, trách nhiệm công việc lại rất cao và rất nguy hiểm. Đây cũng là điều mà các ngành chức năng nên xem xét khi đưa ra cơ chế bảo vệ rừng Mường Phăng.