ThienNhien.Net – Từ tháng 1/2005 đến tháng 12/2007, rất nhiều cuộc khảo sát đã được tiến hành tại khu vực Tây Nguyên để đánh giá thực trạng loài bò rừng <i>Bos javanicus birmanicus</i>. Kết quả khảo sát cho thấy số lượng loài bò rừng của Việt Nam đã giảm ít nhất 50% so với giữa thập niên 90 và có nguy cơ tuyệt chủng trong thời gian tới. Nếu không có các biện pháp bảo tồn hữu hiệu và kịp thời, loài động vật quý hiếm này rất có thể sẽ biến mất vĩnh viễn tại Việt Nam.
Bức tranh chung
Mặc dù từng phân bố rộng rãi trên khắp khu vực Đông Nam Á, hiện loài bò rừng chỉ còn rải rác với số lượng ít. Số lượng các cá thể còn lại tại các khu vực bản địa ước tính khoảng 3000 – 5000 con, nghĩa là ít nhất 80% số lượng loài này trên toàn thế giới đã biến mất kể từ những năm 1980.
Chỉ có khoảng 7 quần thể có trên 50 cá thể được tìm thấy tại “quê hương” của chúng, trong đó Java có 4 quần thể, Thái Lan có 2 và Cam-pu-chia có 1. Đáng tiếc là trong số này không có quần thể nào vượt quá 500 cá thể. Loài bò rừng vì thế đã được đưa vào danh sách các loài bị đe dọa trong Sách Đỏ của IUCN.
Bò rừng được xác nhận có ba phân loài. Trong đó, bò rừng Java Bos javanicus được bảo vệ tại một số khu bảo tồn trên các đảo thuộc Java và Bali, bò rừng Borneo Bos javanicus lowi được bảo tồn trên đảo Borneo và một số quần thể nhỏ lẻ khác của loài bò rừng Bơ-ma Bos javanicus birmanicus có mặt tại Mi-an-ma, Trung Quốc, Thái Lan, Ma-lai-xi-a, Cam-pu-chia, Lào và Việt Nam. Loài bò rừng Burma đã bị tuyệt chủng ở Ấn Độ, Bangladesh, Bruney Darussalam và bán đảo Malaysia, được coi là có nguy cơ đe dọa cao nhất trong số ba phân loài.
Bò rừng là tổ tiên loài bò nhà tại vùng Đông Nam Á. Sự tuyệt chủng của loài này sẽ là một tổn thất lớn về nguồn gen giúp lai tạo giống bò nhà.
Các tác động của con người và các đặc điểm môi trường, sinh học như mật độ quần thể thấp, môi trường cư trú chật hẹp, tỉ lệ sinh sản thấp đang dần đẩy các quần thể bò rừng đến chỗ tuyệt chủng. Nhưng nguyên nhân quan trọng khiến bò rừng tại Đông Nam Á biến mất chính là sự gia tăng dân số nhanh chóng, gây áp lực lên hệ sinh thái và cản trở các hoạt động bảo tồn. Cũng vì vậy mà Đông Nam Á là nơi có tỷ lệ tuyệt chủng các quần thể động vật có vú cao nhất.
Tại Việt Nam, tình trạng này còn đặc biệt nghiêm trọng bởi có mật độ dân số cao nhất Đông Nam Á và sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thị trường. Mật độ dân cư và tình trạng sử dụng đất của Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng sau chiến tranh, với tốc độ biến mất của những khu rừng nguyên sinh lên đến 14,6%/năm từ 2000–2005. Điều này đã dẫn đến sự chia cắt sinh cảnh trên diện rộng và loài bò rừng càng dễ bị săn bắt hơn. Di cư tự do ồ ạt tại Tây Nguyên và các chương trình tái định cư chính thức cũng làm tăng mật độ cư dân tại các khu vực cư trú của bò rừng.
Bò rừng ở Việt Nam – suy giảm đáng báo động
Một nhóm các nhà bảo tồn quốc tế và Việt Nam đã tiến hành khảo sát tại 10 tỉnh khu vực Tây Nguyên nơi loài bò rừng xuất hiện từ đầu thập niên 90. Khu vực này có thể được phân chia thành 3 vùng: (1) Cao nguyên Kontum và phía bắc dãy Nam Trường Sơn, (2) Bình nguyên của Gia Lai, Đắc Lắk và (3) Cao nguyên Đà Lạt, vùng núi phía Nam.
Khảo sát tập trung vào Vườn Quốc gia Yok Đôn (diện tích 1,155 km2 ), Khu BTTN Ea Sô (220 km2 ), Vườn quốc gia Cát Tiên (719 km2), Khu BTTN Vĩnh Cửu (538 km2) và một số khu bảo tồn (KBT) khác.
Loài bò rừng tại Việt Nam hiện cư trú từ huyện Chu Prông, Gia Lai ở phía bắc đến Khu BTTN Vĩnh Cửu ở phía nam. Loài bò rừng được ghi nhận tại 6 trong số 18 địa phương khảo sát. Các địa phương này đại diện cho 5 quần thể – Chu Prông, Yok Dôn, Ea Sô, Krông Trai và Đồng Phú.
Tại các khu bảo tồn Chư Mom Ray, Đắk R’lấp, Nam Nung, Tà Đùng, Bù Đăng, Nam Cát Tiên, Bi Doup Núi Bà, Cát Lộc, Núi Ông và Bù Gia Mập, loài bò rừng hiện đã tuyệt chủng, mặc dù đầu thập niên 90 chúng vẫn xuất hiện.
Ước tính tổng diện tích sinh sống của loài này tại Việt Nam là 2 670 km2, với 1 433 km2 tại Đắc Lắk, 431 km2 tại Gia Lai, 228 km2 tại Phú Yên và 578 km2 tại vùng giáp ranh giữa Bình Phước và Đồng Nai. Không có dấu hiệu sống sót của loài bò rừng tại các tỉnh khác. Sự biến mất của các đàn bò rừng khiến phạm vi cư trú của loài này giảm ít nhất 52% kể từ những năm 1990 tại Việt Nam.
Hiện nay có ba quần thể nằm trong các khu bảo tồn (VQG Yok Dôn, Khu BTTN Ea Sô và Krông Trai) và hai quần thể bên ngoài (thuộc huyện Chu Prông và Đồng Phú) – 82% trong tổng số cá thể bò rừng ở trong khu bảo tồn và 18% ở bên ngoài.
Theo ước tính Việt Nam hiện có 74 –103 cá thể bò rừng, trong đó không có quần thể nào lớn hơn 50 cá thể. Yok Dôn có quần thể bò rừng lớn nhất tại Việt Nam nhưng số lượng nay đã giảm, chỉ còn 30–44 con, sinh sống trên diện tích 1 155 km2.
Quần thể lớn thứ hai là Khu BTTN Ea Sô, nơi có 23–31 cá thể bò rừng sinh sống trên diện tích 278 km2. Các quần thể tại Chu Prông, Krông Trai và Đồng Phú hiện nay chỉ còn vài cá thể. Tuy nhiên, các quần thể này vẫn có những con bê rừng, cho tín hiệu hy vọng vào khả năng phục hồi quy mô quần thế.
Trong khoảng từ năm 1990–1993 tổng số cá thể bò rừng tại Việt Nam ước tính khoảng 200–300 con. Ước tính của năm 1998 cho rằng con số này chỉ từ 170–195 với tốc độ giảm mạnh. Ước tính trong khoảng 2004–2007 chỉ còn 74–103 cá thể, tập trung ở số ít các khu vực chịu ít sức ép hơn từ con người. Số lượng bò rừng đã giảm khoảng 50% từ giữa thập niên 90.
Nguyên nhân suy giảm
Nạn săn bắn trộm chính là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sự suy giảm loài bò rừng ở Việt Nam. Một số lượng lớn bò rừng đã bị săn bắn vì mục đích thương mại từ giữa thập niên 90 và hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Nếu nạn săn bắn trộm vẫn tiếp diễn, loài bò này sẽ biến mất tại Việt Nam.
Tại các khu vực khảo sát, kể cả khu bảo tồn, các hoạt động khác của con người như ngư nghiệp, khai thác nhựa cây, đốt nương phát rẫy và chăn thả gia súc cũng tác động tới loài này.
Loài bò rừng được luật pháp Việt Nam bảo vệ nhưng các biện pháp thực thi luật lại chưa được triển khai hiệu quả . Trên thực tế, các sản phẩm từ loài động vật này vẫn được buôn bán và trưng bày tại rất nhiều gia đình, khách sạn, nhà hàng… mà không gặp phải bất kỳ sự can thiệp nào.
Hơn nữa, dù nguyên nhân trực tiếp gây nên sự suy giảm các quần thể bò rừng là do săn bắn, nguyên nhân quan trọng khiến nạn săn bắn tiếp diễn lại là sự quản lý yếu kém. Hầu hết bò rừng tại Việt Nam sống tại các khu bảo tồn song lại gần như không được quản lý, mặc dù đầu tư nhân lực không phải là nhỏ (7,7 km2/một nhân viên kiểm lâm tại Yok Đôn và 5,6 km2 tại VQG Cát Tiên).
Trong suốt 1703 giờ tiến hành khảo sát trong hơn 3 năm, nhóm nghiên cứu chưa từng gặp cán bộ tuần tra nào trong các khu bảo tồn. Các khu bảo tồn được khảo sát vì thế được cho là “chỉ tồn tại trên trên giấy tờ” với đội ngũ nhân viên thiếu năng lực và trì trệ. Chính vì lý do đó mà bò rừng tại Việt Nam không được bảo vệ hiệu quả trước nạn săn bắn trộm.
Thêm vào đó, các chính sách quản lý, quy hoạch của các cơ quan ban ngành thường không hòa hợp với mục tiêu tại các khu bảo tồn. Việc làm đường và xây đập tại các Khu BTTN Ea Sô và Krông Trai, Vườn quốc gia Yok Đôn và Bù Gia Mập có thể coi là những ví dụ minh họa.
Rất nhiều khu bảo tồn có diện tích quá nhỏ hoặc không đáp ứng các tiêu chí về sinh thái để duy trì các quần thể động vật có vú lớn hoặc bị suy thoái quá nghiêm trọng. Với những khu vực nhỏ như vậy, loài bò rừng không phải lúc nào cũng có một không gian khô và ẩm để có thể duy trì và phát triển.
Chưa hết, quan điểm phổ biến của các nhà chức trách địa phương – coi cộng đồng địa phương là “vấn đề” trong bảo tồn chứ không phải những nhà bảo tồn tiềm năng – cũng là một thiếu sót. Thêm vào đó, việc có rất ít cán bộ kiểm lâm là người địa phương cũng tạo nên khó khăn vì cán bộ thuyên chuyển từ nơi khác đến có rất ít kinh nghiệm thực tế.
Giải pháp cứu bò rừng khỏi nguy cơ tuyệt chủng
Nếu không có các biện pháp bảo tồn cấp thiết và hợp lý, Việt Nam sẽ không còn quần thể nào trong số 5 quần thể bò rừng còn lại.
Để đẩy lùi nạn săn bắn bò rừng tại Việt Nam, các biện pháp thực thi pháp luật chặt chẽ và nghiêm minh đối với nạn săn bắn và buôn bán động vật hoang dã là rất cần thiết. Nhận thức này cần được coi là bước đầu tiên để giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần ban hành các quy chế khuyến khích chống săn bắn trộm.
Một lực lượng nhỏ cán bộ kiểm lâm và bảo tồn có năng lực và hưởng lương cao sẽ tốt hơn số lượng nhiều, lương thấp nhưng không hiệu quả. Chính sách bảo tồn trong tương lai cũng cần chú ý đến vai trò của người địa phương, người dân tộc thiểu số.
Sự xuất hiện của trâu bò nuôi tại các khu ăn cỏ của bò rừng gây hiểm họa truyền nhiễm và bùng nổ các dịch bệnh lây truyền ở loài bò rừng. Việc tiêm phòng chống lở mồm long móng và tụ huyết trùng cho trâu bò nhà tại các vùng ngoại vi khu bảo tồn có thể là biện pháp ngắn hạn để phòng dịch bệnh cho bò rừng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cần có các hàng rào ngăn trâu bò nhà đến gần các khu bảo tồn để tránh dịch bệnh, hòa trộn gen hoặc cạnh tranh nguồn thức ăn.
Việc bảo tồn loài bò rừng tại Việt Nam cần ưu tiên tại VQG Yok Đôn – khu bảo vệ lớn nhất tại Việt Nam, nơi sinh sống của đa số quần thể bò rừng tại các cánh rừng cây họ dầu rộng lớn, nguồn thức ăn dồi dào và nơi cư trú lý tưởng của loài bò rừng.
Ở phía Tây, VQG Yok Đôn giáp ranh Khu Động vật Hoang dã Srepok của Cam-pu-chia. Đây là nơi tập trung số lượng lớn trâu bò hoang dã của vùng bán đảo Đông Dương, với nhiều tiềm năng giúp tái phục hồi quần thể bò rừng và trâu nước hoang dã tại VQG Yok Đôn. Công tác bảo tồn loài bò rừng vì thế cần có nỗ lực chung từ cả Lào và Cam-pu-chia. Lý do hợp tác bảo tồn còn bởi vì mật độ dân cư bán đảo Đông Dương tại các khu vực giáp ranh cần được giảm tối thiểu để các quần thể bò rừng có thể sinh sống. Sự hợp tác giữa các nước còn đặc biệt cần thiết trong việc kiểm soát nạn buôn bán động vật hoang dã.
Sự tuyệt chủng của các loài động vật ăn cỏ như bò rừng tại các khu rừng Đông Nam Á có thể dẫn đến các biến đổi lớn trong cấu trúc hệ sinh thái khu vực và dẫn đến tuyệt chủng nhiều loài khác. Hợp tác giữa các nước láng giềng cho phép chia sẻ thông tin, phát triển số lượng loài tại khu vực, đồng thời đáp ứng các chiến lược bảo tồn và phát triển quy mô quần thể các loài ăn cỏ và động vật hoang dã nói chung.
Nguồn: Trích báo cáo “Status and distribution of the Endangered banteng Bos javanicus birmanicus in Vietnam: a conservation tragedy” do nhóm nghiên cứu gồm Mi guel Pedrono, Ha Minh Tuan, Philippe Chouteau và Frédéric Vallejo thực hiện, đăng trên tạp chí Oryx (Fauna & Flora International) số 43(4), 2009.