Sở hữu trí tuệ thúc đẩy cải tiến nông nghiệp

Thiennhien.net – Đến năm 2050 dân số thế giới có thể vượt quá con số 9 tỷ trong bối cảnh nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt và sản lượng lương thực cần phải tăng gấp đôi để đảm bảo an ninh lương thực. Chính tại thời điểm này, các cải cách nông nghiệp sẽ phải tập trung tìm ra những cách thức giúp nông dân trồng được nhiều lương thực trên diện tích đất ít hơn. Tuy nhiên, quyền sở hữu trí tuệ trong nông nghiệp, khuyến khích đầu tư vào các nghiên cứu cải tiến lại chưa được chú trọng đúng mức, trong khi bảo vệ dữ liệu khoa học một cách an toàn, hiệu quả và bảo mật chính là chìa khóa để khuyến khích cải tiến. Bài viết dưới đây của Javier Fernandez, thuộc Tổ chức CropLife Mỹ Latin, sẽ giải thích về tầm quan trọng của việc quản lý dữ liệu cũng như sự cần thiết của nó trong việc đảm bảo an ninh lương thực.


Sở hữu trí tuệ – lực đẩy cải tiến

Không thể phủ nhận giá trị của những cải tiến. Đó là những hàng hóa, dịch vụ, quy trình giúp tăng chất lượng cuộc sống của người tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế.
Sở hữu trí tuệ không chỉ mang lại lợi ích cho chủ sở hữu mà còn mang đến những đóng góp cho xã hội. Sở hữu trí tuệ có tác dụng như một lực đẩy, khuyến khích cải tiến nhưng hiện vẫn chưa được hiểu đầy đủ và đánh giá đúng mức.

Một nghiên cứu về 115 nền kinh tế đại diện cho 96 % sản phẩm quốc nội của thế giới cho biết, có một mối tương quan giữa bảo vệ sở hữu trí tuệ và phát triển kinh tế. Nhóm những quốc gia hàng đầu trên thế giới về bảo vệ sở hữu trí tuệ có tỉ lệ GDP cao gấp 10 lần so với các nước còn lại.

Các nỗ lực về chính sách trong sở hữu trí tuệ thường tập trung vào bằng sáng chế, đăng ký thương hiệu, bản quyền để kích thích cải tiến và sáng tạo, đặc biệt trong các ngành công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên nền kinh tế các nước đang phát triển được hỗ trợ bởi hoặc phần lớn bởi nông nghiệp hoặc sản xuất thô chứ không phải công nghiệp và dịch vụ.

Trong khi đó, nền nông nghiệp lạc hậu đang phải đối mặt với hàng loạt các thách thức lớn: dân số gia tăng, nhu cầu về lương thực chất lượng cao gia tăng, diện tích đất trồng trọt trên đầu người giảm, khan hiếm nguồn nước cũng như nhu cầu cho nguồn năng lượng tái tạo.

Chính vì vậy những cải tiến công nghệ trong nông nghiệp hứa hẹn là giải pháp quan trọng giúp người nông dân có thể cung cấp đủ lương thực thực phẩm và sợi bông theo hướng bền vững.

Bằng sáng chế và bảo hộ đa dạng cây trồng là công cụ bảo vệ sở hữu trí tuệ để đầu tư cải tiến trong nông nghiệp. Tuy nhiên, một trong những đóng góp quan trọng của khoa học thực vật cho ngành nông nghiệp là từ những nghiên cứu và phát triển công nghệ hóa nông mới. Và có một công cụ bảo vệ sở hữu trí tuệ riêng được chấp nhận trên toàn cầu để khuyến khích các nghiên cứu mới về công nghệ hóa nông – Luật bảo vệ dữ liệu.

Bảo vệ sự an toàn và tính hiệu quả của dữ liệu

Hóa chất thực vật là một trong số các sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ nhất nhằm tránh gây nguy hiểm cho sức khỏe nông dân, người tiêu dùng và môi trường. Để tạo ra dữ liệu cần thiết chứng tỏ sự an toàn và tính hiệu quả của sản phẩm, một công ty hóa chất thực vật phải đầu tư hơn 9 năm để hoàn thành trên 120 nghiên cứu và tiêu tốn gần 200 tỉ USD. Ngoài ra, các công ty này còn phải xem xét kỹ lưỡng vòng đời sản phẩm để chứng thực những tiêu chuẩn về an toàn cho người sử dụng, khách hàng và môi trường.

Hệ thống luật bảo hộ dữ liệu gồm hai khía cạnh:

Bảo hộ dữ liệu – Luật cung cấp một giai đoạn bảo hộ có hạn định đảm bảo sự độc quyền của dữ liệu không bị bên thứ ba xâm phạm. Lý do được bảo hộ độc quyền là vì những nỗ lực và đầu tư của doanh nghiệp khi tiến hành những nghiên cứu phức tạp tốn nhiều tiền của và thời gian.

Cơ chế ưu tiên này được áp dụng toàn cầu nhằm bảo hộ dữ liệu tránh bị sử dụng cho mục đích thương mại không chính đáng trong thời gian độc quyền 10 năm. Trong suốt thời kỳ độc quyền, bên thứ ba không được dựa vào dữ liệu thử nghiệm độc quyền để đưa sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, bên thứ ba cũng có được cơ hội tham gia thị trường bình đẳng nếu (a) dành thời gian, công sức và đầu tư để phát triển và tìm ra dữ liệu riêng; hoặc (b) được cấp đăng ký sử dụng dữ liệu độc quyền.

Nếu thi hành độc quyền dữ liệu không đầy đủ có thể tạo ra những tác động tiêu cực, như bị lợi dụng để tạo ra các sản phẩm nhái không đạt tiêu chuẩn đem bán trên thị trường, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người và môi trường.

Bảo mật dữ liệu – Luật cung cấp sự bảo mật thông tin trong suốt thời gian đăng ký với các cơ quan quản lý.

Bên sở hữu sản phẩm sẽ thực hiện các cuộc thử nghiệm cần thiết và trình kết quả lên các cơ quan quản lý để có được bản đánh giá sản phẩm chính xác. Và các cơ quan này phải đảm bảo giám hộ để tránh thông tin bị lộ trong suốt thời gian độc quyền có hạn định và sau khi hết hiệu lực.

Gần đây, nhu cầu của người dân về tiếp cận với các thông tin từ chính phủ ngày càng tăng, tạo sức ép lên việc bảo mật thông tin. Sử dụng dữ liệu khoa học cho mục đích nghiên cứu phi thương mại, giáo dục, phản biện hay nghiên cứu có thể mang lại lợi ích hợp pháp, tuy nhiên, việc tiếp cận thông tin không nên được hiểu là khả năng thông tin không được kiểm soát, có thể trao đổi tự do.

Cách thức quản lý và quy định sở hữu trí tuệ nghiêm ngặt, phi chính trị, dựa trên khoa học là những công cụ chính sách làm lợi cho xã hội nói chung. Khi một ngành kinh doanh, chẳng hạn ngành bảo vệ thực vật, đầu tư 7,5% doanh thu bán hàng để cải tiến các giải pháp công nghệ tối ưu nhất, thì một môi trường kinh doanh tốt có thể giúp nâng cao tính bền vững và giúp đạt được mục tiêu lớn hơn là cung cấp lương thực cho số dân đang tăng lên trong khi các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt. Bảo hộ dữ liệu là công cụ cho thấy sự cam kết của ngành kinh doanh với các mục tiêu xã hội thông qua cung cấp khung pháp lý thúc đẩy và khuyến khích đổi mới, đầu tư.