ThienNhien.Net – Các đập nước ở Mỹ đang bị đe dọa – không chỉ vì khủng bố hay sự tàn phá của thời gian mà còn bởi áp lực của các phong trào môi trường. Phát động các chiến dịch trên quy mô toàn quốc, các tổ chức như Tổ chức Bảo vệ Môi trường, Câu lạc bộ Sierra và nhiều nhóm hoạt động vì môi trường khác đang nỗ lực đấu tranh để phá hủy các đập nước, các công trình thủy điện và ngăn cản việc xây dựng những con đập mới. Trong nhiều trường hợp, lý do được đưa ra đơn giản chỉ để cứu sống loài cá, đặc biệt là cá hồi.
Cuộc chiến có sự tham gia của các luật sư, các nhà vận động hành lang, các tình nguyện viên và các nhà khoa học thân thiện môi trường.
Theo Ban Quản lý Thông tin Năng lượng, từ năm 1999 đã có nhiều nhà máy thủy điện đã bị buộc ngưng hoạt động. 185 đập nước bị dỡ bỏ, mặc dù không phải tất cả các đập này đều là đập thủy điện.
Tháng giêng năm 2007, Bộ Nội vụ Mỹ đã yêu cầu nhà máy điện PacificCorp hoặc là chi hàng trăm triệu USD để xây dựng cầu thang cho cá di cư qua con đập Klamath hoặc phải phá hủy đập nước.
Mỹ hiện có hơn 2.500 công trình thủy điện, chiếm 10% nguồn cung cấp năng lượng cho nước này, tương đương với 500 triệu thùng dầu. Tuy nhiên, những nhà môi trường cực đoan đã phản đối kịch liệt khái niệm “nguồn nước vô tận” vì họ không coi thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo.
Trong khi đó, Cục Bảo vệ Môi trường của Mỹ vẫn xem thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo bởi vì nó sử dụng vòng tuần hoàn nước của Trái đất để tạo ra nguồn điện, nhưng sau khi được xây dựng nhiều năm, các dự án thủy điện lớn đang phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ, bởi theo các nhà môi trường “chúng gây hại cho cá và thay đổi sự bồi lắng phù sa.”
Câu chuyện lịch sử đập nước
Các đập nước có giá trị lịch sử lâu đời ở Mỹ trong mọi lĩnh vực, từ giải trí và kiểm soát lũ lụt đến sản xuất điện. Các Đảng viên đảng Tự do thậm chí đã từng coi đó là dấu hiệu của phát triển và tạo cơ hội việc làm. Cựu chủ tịch Đảng Dân chủ Franklin Delano Roosevelt cũng từng xem việc xây dựng các đập nước như một phần quan trọng trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông.
Nhưng những ưu ái dành cho các đập nước đã không còn. Báo cáo của Mạng lưới Sông ngòi Quốc tế (IRN) với tiêu đề “Lũ lụt và sự nóng lên toàn cầu” đã công bố các hồ chứa thải khoảng 4% tổng lượng khí cacbon trên trái đất, góp phần vào sự nóng lên toàn cầu. Theo bài viết ngày 12/6/2002, giám đốc chiến dịch của IRN, Patrick Mc Cully cho biết: “Ở các vùng khí hậu nhiệt đới, các hồ chứa thủy điện có thể là những kẻ phá hủy khí hậu, thậm chí còn tồi tệ hơn cả các nhà máy nhiệt điện.”
Hiện nay các tổ chức môi trường hiếm khi xem thủy điện là nguồn “năng lượng tái tạo” như gió và năng lượng mặt trời. Họ đang nỗ lực đấu tranh nhằm ngăn chặn việc xây dựng thêm các đập nước và các nhà máy thủy điện.
Tổ chức Sông ngòi Mỹ (American Rivers) cho biết có 460 đập nước đã bị dỡ bỏ trong vòng hơn 40 năm qua ở đất nước này. Trang web của tổ chức còn nhận định rằng con số sẽ còn nhiều hơn thế và sẽ có ít nhất 100 đập khác bị đưa vào diện dỡ bỏ hoặc nằm trong diện đặc biệt xem xét dỡ bỏ.
Các tổ chức môi trường ở Mỹ đã sử dụng mọi phương thức hoạt động trong các chiến dịch đấu tranh phá bỏ đập nước, kể cả kiện cáo, và họ đã thu được những thành công đáng kể.
Hơn 600 đập nước đã bị dỡ bỏ ở Mỹ trong suốt thế kỷ XX và việc này vẫn tiếp tục tiến triển trong những năm gần đây. Việc phá bỏ đập Edwards của nhà máy thủy điện Maine năm 1999 đã trở thành chiến lược của phe cánh tả và đó là đập thủy điện đầu tiên ở Mỹ bị ép buộc phá hủy bất chấp sự cương ngạnh của những người sở hữu.
Việc dỡ bỏ các đập nước đang ngày càng trở thành vấn đề cấp thiết. Năm 2000, bốn đập thủy điện trên hạ lưu sông Snake phía Bắc Thái Bình Dương đã trở thành một trong những tiêu điểm của chiến dịch tranh cử Tổng thống.
Nhà máy thủy điện đầu tiên của Maine, đập Smelt Hill trên sông Presumpscot đã bị phá hủy năm 2002, 110 năm sau khi được xây dựng. Những đập thủy điện khác ở bang Geogia, Florida và nhiều bang khác cũng bị đóng cửa.
Truyền hình “nhắm mắt làm ngơ”
Phân tích của Viện Thương mại và Truyền thông về các tin tức được đưa ra từ 1/1/2006 đến 31/1/2007 kết luận: giới truyền hình đã không hề tiết lộ bất kỳ thông tin nào về các chiến dịch đấu tranh phá bỏ đập thủy điện của các nhà môi trường. Trong khi đó, năm tờ báo hàng đầu của Mỹ – USA Today, The Wall Street Journal, The New York Times, The Washington Post và Los Angeles Times – đồng loạt đề cập đến cuộc tranh luận này trên 65 bài viết, trong đó Los Angeles Times dẫn đầu với 39 bài.
Ba kênh truyền hình lớn của Mỹ – ABC, CBS và NBC đều nhất trí rằng bão lớn, bảo dưỡng kém và khủng bố mới là những câu chuyện thực sự về đập nước. 2/3 câu chuyện về đập nước của họ đều tập trung vào các chủ đề này. Nếu không để ý, người xem có thể nghĩ rằng các con đập rất được các phóng viên truyền hình quan tâm, song 13 tháng theo dõi cho thấy có tới 68% chương trình về đập là đề cập tới các mối đe dọa như bão tố, bảo dưỡng kém hay khủng bố.
Trong khi đó, không có một câu chuyện thảo luận nào về kế hoạch phá bỏ đập Klamath hay quyết định của Tòa án Tối cao về việc trao quyền quyết định cho các nhà môi trường, chứ không phải các chủ nhà máy năng lượng.
Thậm chí, truyền hình còn coi các con đập của Mỹ như những thành tựu lớn. Chương trình “Chào buổi sáng nước Mỹ” ngày 27/10/2006 đề xuất nên đưa đập Hoover vào danh sách đề cử một trong bảy kì quan hiện đại thế giới.
Gần như tất cả các chương trình không đề cập đến mối liên hệ giữa đập nước và phát điện.
Trong khi các chính trị gia Mỹ tiếp tục thảo luận vấn đề “độc lập năng lượng”, những nhà môi trường học vẫn tích cực hoạt động nhằm phá bỏ các nguồn cung cấp năng lượng thủy điện. Cuộc chiến hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành những bài phóng sự giá trị, hấp dẫn, gay cấn và sức ảnh hưởng đến hàng chục ngàn người. Nhưng ba kênh truyền thông lớn đã phớt lờ như không hề biết.