Thực trạng phát triển kinh tế tập thể và kinh tế trang trại

ThienNhien.Net – Để phát triển kinh tế tập thể và kinh tế trang trại, các cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng ở Đồng Nai đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tiếp tục củng cố, nâng cấp, mở rộng quy mô các mô hình kinh tế tập thể và trang trại. Tăng cường chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, đa dạng hoá các loại hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bố trí lại lao động và tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.


Cho đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 118 tổ hợp tác (THT) với 2.135 hội viên. Trong đó có 48 THT trồng trọt, 17 THT chăn nuôi, 11 THT thủy sản, 42 THT kinh doanh tổng hợp. Xây dựng được 344 câu lạc bộ năng suất cao (CLBNSC) trên lĩnh vực nông nghiệp với 13.404 thành viên và tổng diện tích đăng ký là 6.317 ha. Trong đó có 275 CLB trồng trọt, 54 CLB chăn nuôi, 15 CLB thủy sản, hoạt động chủ yếu là tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất trên các mặt như: vay vốn, cung ứng vật tư nông nghiệp, làm đất, quản lý nước sạch. Toàn tỉnh cũng đã thành lập được 69 HTX nông nghiệp và 01 Liên hiệp HTX với tổng vốn điều lệ gần 163 tỷ đồng với 1.861 xã viên, 1.482 lao động thường xuyên.

Ông Tô Thành Buông – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai cho biết: “Việc xây dựng và phát triển mô hình kinh tế hợp tác trong những năm qua đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét, đóng góp một phần không nhỏ vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Qua đó cũng đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hợp tác làm ăn hiệu quả như: HTX dịch vụ nông nghiệp xây dựng Long Hưng, HTX chăn nuôi Xuân Phú, HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Khánh… Tuy nhiên, trong 6 năm thực hiện đề án phát triển HTX trên địa bàn tỉnh từ 2003-2010, phần lớn các chỉ tiêu đề ra không hoàn thành. Ví dụ như đến năm 2008, toàn tỉnh mới phát triển được 72 HTX, trong khi chỉ tiêu đề ra là 164 HTX. Đó là chưa kể đến đội ngũ quản lý, kế toán vừa thiếu, vừa yếu; công tác thu hút cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật về làm việc tại HTX chưa khả thi; vốn điều lệ của các HTX thấp; nội dung hoạt động còn đơn điệu, chưa có nhiều hoạt động dịch vụ để cải thiện đời sống cho các xã viên…”.

Về kinh tế trang trại, hiện toàn tỉnh có 3.183 trang trại. Trong đó có 1.557 trang trại chăn nuôi (chiếm 48,92%); 1.175 trang trại cây lâu năm (chiếm 36,91%); 150 trang trại cây hàng năm (chiếm 4,71%), 171 trang trại tổng hợp (chiếm 5,3%); 123 trang trại thủy sản (chiếm 3,86%); 7 trang trại lâm nghiệp (chiếm 0,22%).

Theo thống kê, tổng số lao động đang làm việc tại các trang trại là 11.292 lao động. Trong đó có 7.158 lao động của chủ hộ trang trại, 4.1334 lao động thường xuyên thuê ngoài và 6.769 lao động theo thời vụ. Tổng diện tích các loại đất ở các trang trại đang sử dụng có trên 9.513 ha, bình quân 1 trang trại là 2,99 ha.. Trong đó, đất trồng cây hàng năm 1.388 ha; đất trồng cây lâu năm 6.084 ha; đất trồng rừng 715 ha; diện tích nuôi trồng thuỷ sản 879 ha; đất khác 448 ha.

Nhờ có các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, chăn nuôi gia súc, gia cầm nên các trang trại ngày càng phát triển mạnh về cả qui mô, số lượng và chất lượng. Đến nay, tổng đàn heo nuôi trong các trang trại là 371.961 con và 4.175.000 con gia cầm. Tổng vốn đầu tư sản xuất của trang trại trên địa bàn tỉnh là trên 1.992 tỷ đồng. Vốn bình quân là 625 triệu đồng/trang trại. Tổng thu nhập của các trang trại là 382.083 triệu đồng, bình quân 120,04 triệu đồng/trang trại.

Bên cạnh những chuyển biến đáng mừng, kinh tế trang trại còn gặp nhiều khó khăn. Các địa phương còn thiếu quy hoạch phát triển kinh tế trang trại. Phần lớn các hộ trang trại chưa nắm được quy hoạch vùng, các chương trình dự án thực hiện trên địa bàn để tham gia thực hiện, chưa liên kết kinh doanh trong sản xuất và tiêu thụ nên chưa tạo ra những vùng sản xuất lớn tập trung. Việc giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ trang trại còn chậm. Một số chủ trang trại thiếu đất sản xuất phải mượn, thuê đất cũng chưa được chính quyền phê duyệt quyền sử dụng đất lâu dài nên không dám đầu tư lớn cho sản xuất. Phần lớn các trang trại chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mặt khác, nhu cầu về vốn cho phát triển kinh tế trang trại là rất lớn. Hầu hết các chủ trang trại thiếu vốn đầu tư để sản xuất kinh doanh. Ngoài nguồn vốn tự có các chủ trang trại muốn vay vốn nhưng thủ tục còn nhiều khó khăn như: Phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các tài sản thế chấp… Việc tiêu thụ nông sản của trang trại hiện nay còn khó khăn, sản xuất chưa gắn với chế biến, chưa có sự liên doanh liên kết giữa 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và Nhà nước). Phần lớn các chủ trang trại tự tìm đầu ra cho sản phẩm, sản xuất chưa mang tính bền vững…

Để kinh tế trang trại phát triển, Nhà nước cần tiếp tục có các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhất là các chính sách về đất đai, về vốn để các chủ trang trại yên tâm đầu tư phát triển và mở rộng quy mô sản xuất góp phần nâng cao đời sống các hộ gia đình đồng thời đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.