Bảo vệ sự sống các dòng sông

ThienNhien.Net – Việt Nam có hệ thống sông ngòi chằng chịt khắp các miền, mang lại nguồn lợi lớn cho đất nước, nhưng theo các nhà khoa học, việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên này đang là mối hiểm nguy cho sự sống của các dòng sông. Đó là những cảnh báo được các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước đưa ra tại Hội thảo “Bảo vệ sự sống các dòng sông” do Trung tâm Đa dạng sinh học và Phát triển – Viện sinh học Nhiệt đới, tổ chức ngày 31/10 tại Vườn Quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai).


Theo các nhà khoa học, hiện nay chúng ta đang thiếu nước trong mùa khô và khó khăn này sẽ gia tăng do dân số ngày càng tăng, kéo theo nhu cầu nước cho các hoạt động phát triển cũng tăng lên; chất lượng nguồn nước tại các hệ thống sông ngòi đang có những suy giảm nhanh chóng, tình trạng xâm mặn diễn ra ngày càng nhanh… Hơn nữa, các dòng sông trên lãnh thổ Việt Nam đang chịu nhiều áp lực như vấn đề thay đổi hệ sinh thái, do sự khai thác quá mức của con người, do ô nhiễm, do xâm lấn của các loài sinh vật ngoại lai và do sự biến đổi của khí hậu toàn cầu.
Nhận định về những ảnh hưởng trên đối với sông Mê Kông, Tiến sĩ Dương Văn Ni (Đại học Cần Thơ) cho rằng: “Sông Mê Kông là nguồn cung cấp nước nuôi sống hơn 18 triệu người ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Vùng này mỗi năm sản xuất khoảng 25 triệu tấn lúa, cung cấp nguồn lương thực cho Việt Nam và các nước khác. Hiện nay, nguồn nước sông Mê Kông đang bị xâm hại do tác động của con người như: ô nhiễm từ các khu công nghiệp, cụm dân cư thải ra dòng sông này; những loài sinh vật ngoại lai như cây mai dương, ốc bươu vàng, cá lau kiếng… Ngoài ra, với việc ngăn chặn dòng chảy của hệ thống sông này để làm các đập thủy điện cũng là mối nguy lớn cho sự sống của dòng sông”.

Ông Trần Văn Tư, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật thành phố Cần Thơ cho biết, sự suy giảm nhanh của trữ lượng nguồn nước tại các dòng sông thuộc hệ thống sông Mê Kông ngay lập tức ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, nguồn nước mặn ngày càng ngập sâu vào đất liền, có nơi đến 70km, riêng thị xã Vị Thanh (Hậu Giang) nước mặn ngập sâu vào thị xã, có những đợt 3-4 ngày liền khiến người dân không có nước ngọt để sử dụng.

Thạc sĩ Phạm Xuân Phú (Đại học An Giang) cũng cho biết, diễn biến của các dòng sông ở An Giang ngày càng phức tạp. Điển hình là lũ đã không còn theo quy luật bình quân cứ 4 năm có 1 trận lũ lớn, mà có khi 3 năm liên tục đều có lũ lớn.

Còn theo Thạc sĩ Nguyễn Vũ Huy (Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam), sông Đồng Nai là hệ thống sông có nguồn nước dồi dào, cung cấp nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho 11 tỉnh, thành phố với hàng chục triệu dân. Tuy nhiên, hiện nay sông Đồng Nai đang bị tác động lớn bởi những tác nhân trên và hiện đang tiệm cận với ngưỡng hạn chế về nguồn nước. Ông Huy cho rằng, quan hệ phát triển trong lưu vực sông Đồng Nai là một thể thống nhất, việc sử dụng nguồn nước từ dòng sông này cần được quản lý một cách tổng hợp.

Vì vậy, để quản lý tốt tài nguyên nước hệ thống sông Đồng Nai cả chất và lượng, nhằm phục vụ hiệu quả sự phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường, Chính phủ cần thành lập các tổ chức lưu vực sông có đủ trách nhiệm và thẩm quyền để quản lý nguồn nước của lưu vực sông này; cần phải có cơ chế chính sách nhằm giải quyết hài hoà lợi ích giữa các địa phương trong lưu vực.

Ngoài ra, cũng còn nhiều đại biểu đã đưa ra các giải pháp khác nhau để “bảo vệ sự sống các dòng sông” như: tăng cường năng lực nhận thức, ý thức và hành vi bảo vệ môi trường – sinh thái đối với cộng đồng, nhằm giảm thiểu các tác nhân gây ảnh hưởng đến các dòng sông; quyết liệt ngăn chặn tình trạng phá rừng.

Bên cạnh đó, cũng cần mạnh dạn thử nghiệm các mô hình thích nghi với hoàn cảnh mới; tìm các loại cây trồng vật nuôi có khả năng chịu đựng ngưỡng khí hậu thời tiết khí hậu khắc nghiệt hơn. Đồng thời tăng cường đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế để cùng chung tay bảo vệ các dòng sông.