Nhìn nhận vai trò của MRC trong phát triển thuỷ điện vùng Mekong

ThienNhien.Net – Dự định khôi phục 11 dự án đập thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mê Kông khiến giới chuyên gia thực sự lo ngại về các thảm họa sinh thái, cũng như tác động tiêu cực lên cộng đồng. Câu hỏi về vai trò của Ủy hội sông Mê Kông (MRC) – một tổ chức lưu vực sông quốc tế có nhiệm vụ quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước và các tài nguyên liên quan ở lưu vực sông Mê Kông – cũng đã được đặt ra nhiều lần. Một báo cáo mới đây của Trung tâm Tài nguyên sông Mê Kông Ôx-trây-li-a (AMRC), Trường Đại học Xít-ni và Tổ chức Oxfam Ôx-trây-li-a đã mở ra cuộc thảo luận về quyền hạn và trách nhiệm của MRC đối với các dự án đập nước trên dòng chính hạ lưu sông Mê Kông.


Báo cáo cho biết, trước khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á, sự bùng nổ về phát triển thủy điện đã diễn ra ở khu vực sông Mê Kông. Trong bối cảnh dự báo về nhu cầu điện ngày một cao và thực tế giá dầu và gas leo thang chóng mặt cùng, thủy điện càng được coi như một giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng. Đó là nguyên nhân chính để các quốc gia thành viên MRC thúc đẩy quá trình xem xét đầu tư các dự án thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mê Kông.

Tuy nhiên, dưới nhận định của các chuyên gia về môi trường và sinh thái, đây là mối đe dọa lớn đối với sự phát triển bền vững của nghề cá ở khu vực này, vì những con đập sẽ ngăn chặn dòng cá di cư và làm hư hại môi trường thủy sinh.

Nhận xét về vai trò của mình, MRC khẳng định họ không phải là một tổ chức siêu quốc gia mà là một tổ chức liên chính phủ, vì thế, vai trò của chủ yếu của họ là phục vụ lợi ích của các quốc gia thành viên. Riêng đối với 11 dự án thuỷ điện dự kiến trên dòng chính Mê Kông, Chương trình Phát triển lưu vực của MRC đang tiến hành đánh giá tác động của các đập trên dòng chính thông qua phân tích kịch bản phát triển, đánh giá những thay đổi về dòng chảy và những ảnh hưởng đối với xã hội – môi trường. Song, bản báo cáo mới công bố cho rằng phân tích của MRC mới chỉ tập trung vào một số lĩnh vưc nhất định về sinh thái và xã hội của khu vực sông Mê Kông. Hơn nữa, sự thiếu rõ ràng và thiếu sự tham gia của cộng đồng trong việc mô hình hóa của MRC dẫn đến những hoài nghi về độ tin cậy của các kết quả nghiên cứu. 

Cơ cấu quản lý của MRC cũng cho thấy đây là một tổ chức lưu vực sông hoạt động với tư cách chuyên môn về khoa học và độc lập. MRC có thể sử dụng nguồn tri thức trong các lĩnh vực khoa học khác nhau của họ để hỗ trợ cho việc quản lý và phát triển khu vực sông Mê Kông công bằng hơn và bền vững hơn. Tuy nhiên, các báo cáo gần đây và Kế hoạch chiến lược của MRC đều nhấn mạnh một điểm rằng MRC cần phải thúc đẩy việc thu hút sự tham gia của cộng đồng nếu muốn trở thành một tổ chức lưu vực hoạt động tích cực và hiệu quả.

Một vài khảo sát cho thấy MRC gặp khó khăn đáng kể trong việc lôi cuốn sự tham gia của các nhóm lợi ích, mặc dù theo quy định họ không phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với cộng đồng. Bởi vậy, những thay đổi về chính sách gần đây đã được đề xuất nhằm tăng cường sự liên kết của MRC với các đối tác phi quốc gia.

Báo cáo nhận định rằng cần phải xem xét vai trò của MRC trong bối cảnh của sự phát triển và thay đổi nhanh chóng tại khu vực sông Mê Kông, trong đó MRC chỉ là một trong nhiều tác nhân.