ThienNhien.Net – Nằm trong khuôn khổ Dự án khoa học biển ven bờ giữa Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Hội phát triển Khoa học Nhật Bản (JSPS), Hội nghị quốc tế lần thứ 4 về khoa học biển ven bờ đã diễn ra tại Hải Phòng, từ 26-28/10/2009.
Hội nghị về khoa học biển ven bờ lần thứ 4 tập trung vào 3 mục tiêu cơ bản:
• Công bố những công trình nghiên cứu cập nhật về những thành tựu đạt được trong lĩnh vực khoa học biển ven bờ ở Nhật Bản và các quốc gia thành viên kbu vực Đông Nam Á giai đoạn 2001-2010.
• Tăng cường hợp tác, cùng giải quyết các vấn đề mà các bên đều quan tâm liên quan đến việc bảo tồn biển, giảm thiểu ô nhiễm và phòng tránh thiên tai.
• Tạo cơ hội cho các nhà khoa học trẻ ở các quốc gia thành viên tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia khoa học biển hàng đầu tại khu vực.
Từ đó, chia làm 4 tiểu ban:
• Nghiên cứu hoàn lưu nước và quá trình vận chuyển các vật chất lơ lửng, ô nhiễm ở vùng nước biển ven bờ và thềm lục địa biển.
• Nghiên cứu ô nhiễm bởi các nguyên tố hóa học độc hại tới môi trường biển ven bờ và tác động của chúng lên môi trường sinh thái.
• Nghiên cứu điều kiện sinh thái học của vi tảo biển gây độc tố.
• Nghiên cứu đa dạng sinh học vùng nước dải ven biển.
Sau hội nghị, Ban tổ chức tiếp tục tiến hành một số hoạt động như thu mẫu và phân tích ô nhiễm ở dải ven biển phía Bắc, tập trung vào trọng điểm Hạ Long – Cát Bà (dự kiến từ ngày 30/10 đến 04/11) và tổ chức lớp hội thảo/tập huấn về đa dạng sinh học và kỹ thuật phân loại cá biển tại Trạm biển Đồ Sơn cho các cán bộ khoa học trẻ của Việt Nam (từ ngày 30/10 – 02/11/2009).
Dự án Khoa học biển ven bờ do JSPS tổ chức và tài trợ, được bắt đầu từ năm 1996 với sự chủ trì của Nhật Bản và sự tham gia của 5 nước khu vực Đông Nam Á là In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Thái Lan và Việt Nam. Cơ quan đầu mối quốc gia phía Nhật Bản là Trường Đại học Tổng hợp Tokyo. Trọng tâm điều tra, nghiên cứu của dự án là các vấn đề về ô nhiễm môi trường và đa dạng sinh học vùng biển Đông Nam Á và Đông Á. Dự án bao gồm các hoạt động: điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học; trao đổi thông tin, tổ chức hội thảo, hội nghị khoa học; công bố, xuất bản; đào tạo cán bộ khoa học trẻ thông qua các khoá đào tạo, tập huấn ngắn hạn, trung hạn và nghiên cứu sinh.
Việt Nam tham gia vào dự án này từ năm 2001. Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam là cơ quan chỉ đạo đầu mối quốc gia ; Viện Tài nguyên và Môi trường biển là cơ quan điều phối quốc gia. Ban đầu dự án có tên là “Hải dương học ven bờ”, nhưng từ pha III (2006 -2010), dự án được đổi tên thành “Khoa học biển ven bờ”. Tham gia Dự án có Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Viện Hải dương học, Viện Cơ học, Viện Công nghệ sinh học, Viên Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam); Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Huế (trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo); Viện Nghiên cứu Hải sản (trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn); một số Viện nghiên cứu và trường Đại học khác.