Đà Nẵng: Chủ động đối phó với nước biển dâng

ThienNhien.Net – Cũng như các địa phương thuộc khu vực duyên hải Miền Trung, Đà Nẵng đã và đang chịu ảnh hưởng và tác động của biến đổi khí hậu như sự nóng lên của Trái đất, nước biển dâng, diễn biến của khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Mà điển hình là tình hình phức tạp của bão lũ trong những năm vừa qua. Điều này đòi hỏi chính quyền và các nhà khoa học hợp tác tìm kiếm các phương án tối ưu để giảm thiểu những ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, đặc biệt là đối phó với sự dâng lên của mực nước biển.


Mực nước biển dâng và sự không ổn định của địa mạo ở vùng ven biển miền Trung ngày càng diễn biến phức tạp. Mực nước biển dâng bao gồm dâng do thủy triều, dâng do bão, lũ, dâng do biến đổi khí hậu… Vì vậy, những năm gần đây, bờ biển bị xâm thực xảy ra nhiều hơn, đe dọa các khu dân cư và cơ sở hạ tầng dọc bờ biển thường xuyên hơn.

Những năm qua, người dân sống dọc ven biển ở thành phố Đà Nẵng thường rơi vào trạng thái lo lắng bởi nạn xâm thực của sóng biển, nhất là vào mỗi mùa mưa bão, nhà cửa, đất đai và nhiều tài sản khác bị sóng cuốn ra biển. Điển hình trong những năm qua, gần 100 hộ dân sống dọc biển Nam Ô luôn phải sống trong nỗi ám ảnh bởi sự xâm thực của sóng biển. Hơn 750ha đất sản xuất, đất sinh hoạt của người dân nơi đây đang ngày càng bị thu hẹp bởi biển ngày càng “ăn” sâu vào đất liền. Trong các trận bão cuối năm 2007 và 2008, tại phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu), nước biển đã ăn sâu vào đất liền, cuốn trôi nhà cửa và ao tôm của 16 hộ chuyên nuôi tôm giống. Cũng ở khu vực trên, một đoạn đê dài gần 2 km chạy dọc sông Cu Đê (đoạn cầu Nam Ô, thuộc phường Hòa Hiệp Bắc) cũng bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến sự an toàn của cầu Nam Ô. Sóng biển xâm thực đã đánh sập và hư hỏng hàng chục căn nhà. Sóng biển cũng đã ăn sâu 100m vào khu vực dân cư phía Bắc ghềnh Nam Ô, gần 40 ngôi mộ buộc phải di dời khẩn cấp trước khi bị nước biển nhấn chìm.

Theo ước tính của các nhà chuyên môn, Đà Nẵng sẽ có 30.000 hộ dân với hơn 170.000 nhân khẩu ở các phường ven biển bị mất nhà cửa do nước biển dâng cao khoảng 30cm vào năm 2040. Nước biển dâng cũng sẽ làm cho vùng đồng bằng ngập lụt sâu hơn và kéo dài thời gian hơn. Vì vậy, số lượng nhà dân vùng nông thôn bị ngập lụt sẽ tăng lên 40.000 nhà, mức độ thiệt hại sẽ tăng gấp đôi so với năm 1998.

Trước tình hình đó, Đà Nẵng hiện đang triển khai dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tại thành phố Đà Nẵng” do quỹ Rockefeller tài trợ, với kinh phí 200.000 USD, đã bước đầu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với 2 quận Liên Chiểu và Sơn Trà, trong đó có vấn đề biển dâng. Dự án triển khai sẽ nhằm nâng cao nhận thức của các nhà hoạch định chính sách về biến đổi khí hậu, xây dựng chiến lược tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và thiên tai thông qua các buổi hội thảo với sự góp mặt của các cơ quan, hội đoàn thể. Đồng thời, Dự án đã xây dựng và nâng cao năng lực cho người dân tại khu vực quận Liên Chiểu và Sơn Trà về hậu quả, ảnh hưởng và các biện pháp thích ứng thiên tai dưới tác động của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, dự án cũng đã vận động viện trợ cho hợp phần tiếp theo nhằm triển khai các hoạt động nghiên cứu và đánh giá về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở cấp thành phố.

Bàn về các giải pháp xử lý cho vấn đề này là cả một quá trình nghiên cứu tính toán lâu dài cũng như đòi hỏi sự đồng lòng tích cực của cộng đồng nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy vậy, với Đà Nẵng việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao nhận thức cũng như đầu tư những công trình kỹ thuật chuẩn bị ứng phó với vấn đề này đang được triển khai thực hiện từng bước tích cực. Trước hết là đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp hệ thống đê kè ven biển.

Việc quy hoạch, xây dựng các dự án ở những vùng ven biển, cửa sông đều phải tính tới yếu tố ổn định địa mạo và yếu tố biển dâng một cách cụ thể. Rà soát lại các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của thành phố và quy hoạch ngành với các phương án phải đối mặt với nước biển dâng. Đặc biệt, thống kê số hộ và số dân hiện đang cư trú dọc bờ biển thành phố, những nơi bị đe dọa xâm thực để được bố trí đến nơi cư trú mới an toàn trên từng độ cao nhất định, phân bố lại lực lượng sản xuất. Thách thức biển dâng chính là động lực thúc đẩy nhà nước suy tính sâu sắc hơn trong việc quản lý kinh tế theo vùng lãnh thổ.

Về quản lý, tăng cường công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cán bộ và của người dân về các phương thức và phương án giảm nhẹ thiên tai, tăng cường năng lực quản lý tổng hợp vùng bờ một cách có hiệu quả. Làm cho cả xã hội nhận thức đầy đủ về tính tất yếu phải ứng phó với biến đổi khí hậu và tác động của nó đến tự nhiên, kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng.

Ngoài ra, cần hợp tác và điều phối liên vùng để có thông tin, số liệu được cập nhật liên quan đến biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở Việt Nam, trong đó có vùng duyên hải miền Trung; hợp tác trong công tác đào tạo nguồn nhân lực và điều tra nghiên cứu những đề tài khoa học đặt ra cho khu vực. Trước mắt cần khảo sát đo đạc để xây dựng bản đồ địa hình của các vùng ven biển, xác định bản đồ ngập lụt theo từng cấp dự báo để có phương án bảo vệ thích hợp. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, phát huy năng lực đào tạo tại các Đại học của Đà Nẵng, nhằm đào tạo cán bộ kỹ thuật có khả năng phân tích dự báo, đề ra các giải pháp đối phó với sự biến đổi khí hậu và nước biển dâng phù hợp với điều kiện cụ thể của vùng duyên hải miền Trung.

Các giải pháp nêu trên phải được thực hiện một cách đồng bộ và tùy theo khả năng kinh tế của đất nước, sự hợp tác quốc tế để xác định cấp độ ứng phó và chống chọi với biến đổi của khí hậu trong từng giai đoạn nhất định. Hậu quả không mong muốn do biến đổi khí hậu mà cụ thể là tình trạng nước biển dâng, sẽ trở thành một sự cản trở không nhỏ trong sự phát triển chung của thành phố và phúc lợi của người dân, nếu chúng ta không tập trung tìm giải pháp ngăn ngừa và đối phó kịp thời.