ThienNhien.Net – Trước cảnh rừng bị phá không thương tiếc, những vùng đồi hoang núi trọc ngày càng nhiều, ông Nguyễn Minh Phiên (xã Đại Bái, Lục Ngạn , Bắc Giang), quyết định đem toàn bộ tài sản lên rừng lập nghiệp, giữ lại màu xanh cho quê hương.
Vượt qua gần 10 km đường đồi núi, cũng đến nơi ông Phiên đặt đại bản doanh để bảo vệ và chăm sóc 100 ha rừng. Năm nay, ông đã 70 tuổi nhưng còn khỏe mạnh, trong căn nhà sàn khang trang, ngồi bên chén trà nóng, ông vẫn nhớ như in những ngày mới lên làm bạn với núi rừng.
Lên rừng lập nghiệp
Ông Phiên vốn là một cán bộ của Sở Công nghiệp Bắc Giang, các con ông đều thành đạt. Với điều kiện ấy, khi về nghỉ hưu, ông có thể sống sung túc, an nhàn. Nhưng, mỗi khi nhìn thấy những cánh rừng ở quê nhà bị lâm tặc phá, người dân thì đốt rừng để làm nương rẫy, lòng ông lại xót xa, đêm nằm trằn trọc, day dứt.
Sau nhiều đêm trăn trở, suy đi tính lại, ông quyết định khăn gói lên rừng. Thấy vậy, nhiều người bảo ông “điên”, “khùng” mang tiền đổ xuống biển, “sống sung sướng chẳng muốn, lại lo đâm đầu vào chỗ khổ”. Còn anh em, người nhà thì nhất quyết ngăn cản. Nhưng tất cả đều không làm ông thoái chí.
Năm 1996, ông bán chiếc xe máy duy nhất trong nhà, cộng thêm số tiền tích cóp được sau bao năm làm việc, mua lại hơn 14 ha rừng bị tàn phá thuộc xã Bảo Sơn. “Những ngày đầu lên đây, trước mặt tôi là những dãy đồi núi hoang tàn, chủ yếu là đất sỏi, ai nhìn cũng ngao ngán. Nhưng với mong muốn lấy lại màu xanh cho những cánh rừng nên tôi quyết bám trụ đến cùng”, ông Phiên tâm sự.
Bà con dân tộc ở đây, sống chủ yếu dựa vào rừng, họ lên rừng chặt cây lấy củi mang về xuôi bán hoặc đốt rừng để làm nương rẫy. Bởi vậy, việc làm của ông Phiên là cản đường sống của họ. Họ quyết phá ông cho bằng được. Ông Phiên thấy, muốn bảo vệ được rừng cần phải thay đổi nhận thức của người dân nơi đây.
Trước hết, ông cùng 21 gia đình có đất rừng thành lập hội trồng rừng và bảo vệ rừng. Hàng ngày, hội cử ra hai người đi tuần tra nhằm hạn chế việc phá rừng của người dân sống xung quanh.
Mỗi khi gặp bà con dân tộc, hay người dân vào rừng chặt cây lấy củi, đốt rừng làm nương, ông không tịch thu phương tiện mà tìm cách nhẹ nhàng tuyên truyền, giảng giải những lợi ích từ việc bảo vệ rừng cho bà con hiểu. Thêm vào đó, ông chủ động mời những người đi rừng kiếm sống vào trồng cây giúp, ông trả công cho họ là những bữa cơm và những bó củi to mà ông đã chuẩn bị từ trước. “Những việc làm như vậy, giúp tôi gần gũi với bà con hơn, tình cảm ngày càng gắn bó. Thấy tôi sống có tình, có nghĩa nên bà con ít vào phá rừng hơn”, ông Phiên kể.
Ông còn bỏ tiền ra mua 3.000 cuốn vở đem in vào trang bìa những khẩu hiệu tuyên truyền về việc bảo vệ rừng và hậu quả của việc phá rừng. Ông cùng với nhà trường tặng những cuốn vở này cho những gia đình dân tộc có con em đi học. Qua đó, các em có tính tự giác hơn trong việc bảo vệ rừng.
Đến khi ý thức của người dân thay đổi, ông tính đến chuyện phát triển kinh tế từ những cánh rừng bị tàn phá, biến những dãy núi hoang tàn thành những rừng cây xanh tốt.
Đến triệu phú “xanh”
Khi nhìn vào những cánh rừng bị tàn phá tan hoang, không ít người có đất rừng cảm thấy chán nản. Còn ông Phiên lại quyết định đầu tư vào mảnh đất rừng xơ xác này để làm giàu. Từ 14 ha rừng, mỗi năm ông mua thêm một ít, đến nay ông có trong tay 100 ha rừng.
Ngày mới vào rừng lập nghiệp, ông đã xây dựng một kế hoạch bài bản để vừa có thể phát triển kinh tế rừng vừa bảo vệ được rừng. Ban đầu, ông thuê máy xúc xẻ núi làm đường nên việc đi lại được thuận tiện hơn trước. Tiếp đó, năm 1998, ông vay tiền xây dựng đường dây điện vào sâu trong rừng, giúp hàng chục gia đình trong khu rừng xã Bảo Sơn thoát khỏi cảnh sống tăm tối. Năm 2007, ông đầu tư tiếp hơn 100 triệu đồng xây dựng thêm 2 km đường đồi núi, nối liền từ trung tâm xã vào trong bản.
|
Cùng với việc xây dựng hệ thống đường, điện, ông đẩy mạnh việc trồng rừng và bảo vệ rừng. Đầu tiên, ông mua 2.000 cây vải trồng trên diện tích 15 ha. Ồng liên kết cùng với lâm trường trồng khoảng 30 ha rừng bạch đàn. Lâm trường cung cấp cây giống và chi phí công lao động, ông chịu trách nhiệm trồng cây và bảo vệ cây. Đến nay, rừng bạch đàn của ông đã được gần 10 năm tuổi bắt đầu cho thu hoạch. Thêm vào đó, ông còn bảo vệ và khôi phục được hơn 30 ha rừng dẻ có từ trước.
Kết hợp với trồng cây lâu năm, ông trồng cây ngắn ngày như sắn, đậu tương, lạc để vừa tận dụng được quỹ đất vừa tạo ra nguồn thu nhập trước mắt phục vụ cho việc trồng rừng lâu dài. Bên cạnh đó, ông tận dụng những khe núi đắp đập thành ao thả cá, đồng thời, nuôi lợn, gà lôi, dê… tạo nên mô hình kinh tế rừng tổng hợp, hiệu quả cao.
Từ mô hình kinh tế rừng khép kín trên, ông thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Từ năm 2000 đến nay, ông hai lần được UBND tỉnh Bắc Giang tặng bằng khen về thành tích bảo vệ và phảt triển kinh tế rừng. Đó là những ghi nhận xứng đáng cho biết bao công sức ông bỏ ra cho những cánh rừng.
Nhắc đến mô hình kinh tế rừng của ông Phiên, ông Nguyễn Cường Bẩy, Phó Chủ tịch xã Bảo Sơn nói: “Ông Phiên đã biến những cánh rừng bị tàn phá thành những khu rừng xanh tươi, đồng thời phát triển tốt kinh tế rừng. Quan trọng hơn, ý thức của người dân về rừng đã thay đổi, người dân tích cực bảo vệ rừng hơn”.
“Phải yêu rừng thì mới gắn bó được với rừng. Tôi mong muốn nhà nước tiếp tục tào điều kiện cho người dân được sử dụng đất rừng lâu hơn nữa. Như thế, những người như tôi sẽ yên tâm gắn bó với rừng hơn nữa”, ông Phiên bộc bạch.