ThienNhien.Net – Chất thải độc hại là sản phẩm phụ tất yếu của nền công nghiệp. Nếu không được quản lý chặt chẽ, loại chất thải này có thể gây hại cho sức khỏe con người và môi trường. Quản lý các chất thải độc hại an toàn đòi hỏi phải có các thiết bị xử lý quy chuẩn. Tuy nhiên chính sự phản đối của dư luận chứ không phải các yếu tố vật lý, kĩ thuật, môi trường và kinh tế cản trở việc lắp đặt các thiết bị xử lý rác thải. Điều này khiến các nước nghèo trở thành điểm đến của chất thải độc hại từ các nền kinh tế phát triển.
Điểm đến của rác thải độc hại
Trong bối cảnh lượng chất thải độc hại sản sinh ngày càng nhiều và bộ luật môi trường trở nên nghiêm ngặt hơn ở các nước phát triển, các nền công nghiệp phát thải có xu hướng tìm kiếm một hướng đi ít bị chống đối nhất để xử lý chất thải. Hướng đi này dẫn họ tới việc xuất khẩu chất thải sang các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước châu Phi cận Sahara.
Có ít nhất bốn nguyên nhân khiến những nước này bị chọn là mục tiêu chính.
Thứ nhất, đa phần những nước này có tỉ lệ nghèo tương đối cao, tổng thu nhập quốc dân thấp, nợ nước ngoài lớn, vì vậy họ muốn nhập khẩu chất thải nguy hiểm để đổi lấy ngoại tệ.
Thứ hai là luật định về môi trường gần như còn lỏng lẻo ở các nước này, cùng với sự non kém trong quá trình thực thi các chính sách hiện hành. Các trang thiết bị xử lý rác thải độc hại bởi vậy có thể được xây dựng không mấy tốn kém trong khi phớt lờ các tác động có hại lên sức khỏe con người và môi trường.
Thứ ba là hiện tượng tham nhũng khá phổ biến ở các nước châu Phi cận Sahara. Các quan chức chính phủ có thể nhận hối lộ và lén lút nhập khẩu chất thải độc hại vào nước mình.
Thứ tư là hầu hết các nước cận Sahara châu Phi đều thiếu chuyên môn kĩ thuật cần thiết để xác định chính xác thành phần của chất thải độc hại nhập khẩu cùng tác động của chúng lên môi trường và sức khỏe con người. Trong khi đó, các nước xuất khẩu lại nhận thức rất rõ điều này, vì vậy họ thường ngụy trang chất thải độc hại dưới hình thức các loại hàng hóa hữu ích hoặc tương đối vô hại.
Việc chôn chất thải độc hại ở các nước đang phát triển thường được cả nước xuất khẩu lẫn nước nhập khẩu ngụy trang bí mật. Các nước xuất khẩu thường lén lút làm giả giấy tờ hải quan và danh mục hàng hóa. Ngay cả khi nước nhập khẩu đồng ý tiếp nhận rác, hoạt động giao dịch vẫn thường nằm trong vùng bí mật và người ta sẽ chối phắt nếu nó bị công khai trước dư luận. Bởi dẫu việc nhập khẩu chất thải độc hại tạm thời mang lại lợi ích tài chính, song đa phần các nước nhập khẩu đều không muốn bị xem là thùng rác của các nước công nghiệp giàu có.
Nỗ lực và thách thức trong hạn chế vận chuyển rác thải xuyên biên giới
Trên thực tế, đã có một số sáng kiến trên phạm vi khu vực và toàn cầu được thiết lập nhằm kiểm soát hoặc hạn chế việc vận chuyển rác thải độc hại ra nước ngoài và các tác động của nó. Có thể kể đến sáng kiến năm 1984-1985 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD); Công ước BASEL về Kiểm soát vận chuyển xuyên biên giới các chất thải nguy hại và việc loại bỏ chúng; sáng kiến của EU, châu Phi, Ca-ri-bê và Thái Bình Dương – Sáng kiến EU/ACP; và Nghị quyết Cộng đồng Kinh tế các bang Tây Phi 1988 – Nghị quyết ECOWAS.
Sáng kiến OECD yêu cầu các nước thành viên thiết lập hệ thống ràng buộc pháp lý đối với hoạt động vận chuyển rác thải xuyên biên giới giữa các nước thành viên cũng như các nước không phải thành viên. Các nước thành viên phải cung cấp đầy đủ thông tin về việc vận chuyển chất thải độc hại, cũng như đảm bảo rằng các phương tiện xử lý và loại bỏ rác ở các nước nhập khẩu có thể hạn chế tối đa ảnh hưởng có hại lên môi trường và sức khỏe con người.
Công ước BASEL được 158 quốc gia thông qua vào tháng 2 năm 2004 cấm xuất khẩu rác thải độc hại sang các nước thiếu khả năng kĩ thuật, hành chính và pháp lý để quản lý rác thải theo cách an toàn với môi trường. Công ước này thiết lập quy trình thông báo cho các nước nhập khẩu những thành phần chất thải độc hại và rủi ro đi kèm.
Tuy nhiên, giống các nghị định khác về môi trường thường vẫn còn sự bất bình đẳng giữa các nước phát triển và đang phát triển về rủi ro và lợi ích, việc thực thi Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển rác thải độc hại xuyên biên giới và xử lý chúng cũng còn tồn tại nhiều điểm chưa hợp lý. Cụ thể, các nước nhập khẩu có thể không được thông tin đầy đủ về các nguy cơ và cả hai bên – nước xuất khẩu và nước nhập khẩu – không bị Công ước đòi hỏi giám sát các quy trình xử lý rác để đảm bảo hạn chế tối đa tác động có hại lên môi trường và sức khỏe con người.
Bên cạnh đó, việc thực thi Công ước BASEL có thể bị cản trở bởi quy định của các luật thương mại quốc tế như Hiệp định chung về Thuế quan Thương mại (GATT). Nếu chất thải độc hại được xem là một dạng sản phẩm với nguyên liệu có thể tái chế và tái sử dụng, và nếu xử lý rác thải được xem là một dịch vụ thì việc hạn chế hoặc cấm xuất khẩu chất thải độc hại sang các nước đang phát triển có thể đi ngược với các quy định của GATT. Bởi GATT ngăn chặn các nước công nghiệp sử dụng hàng rào phi thuế quan để hạn chế sự tiếp cận của các nước đang phát triển với các loại hình hàng hóa và dịch vụ mới.
Trong khi đó, nhiều nước đang phát triển thường thận trọng trước các sáng kiến toàn cầu này và thường thiết lập các giải pháp khu vực nhằm kiểm soát việc vận chuyển xuyên biên giới các chất thải độc hại. Những sáng kiến khu vực này thường chặt chẽ và nghiêm ngặt hơn. Chẳng hạn, dựa trên Công ước Basel, 12 thành viên liên minh châu Âu (EU) và hơn 60 quốc gia châu Phi, Ca-ri-bê và Thái Bình Dương (Tổ chức ACP) đã lập một công ước cấm xuất khẩu chất thải độc hại và hạt nhân từ các quốc gia EU tới các nước thành viên ACP. Công ước cũng cấm các nước ACP nhập khẩu những chất thải này từ các nước không thuộc liên minh châu Âu.
Nghị quyết của cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) lại kêu gọi các quốc gia đưa ra các hình phạt đặc biệt cho những nước liên can đến việc vận chuyển và xử lý chất thải độc hại tại các quốc gia thành viên.
Không chỉ là vấn đề môi trường, sức khỏe
Nguy cơ tác động tới sức khỏe và môi trường tại khu vực cận Sahara châu Phi do xử lý chất thải độc hại xuyên biên giới gây ra là có thực và không hề được cường điệu. Như đã nêu trên, quy định về môi trường ở những nước này thường lỏng lẻo, và thậm chí còn không có một tiêu chuẩn nào cho việc thiết kế các thiết bị xử lý và loại bỏ chất thải độc hại. Bởi vậy những chất thải này có xu hướng không được loại bỏ theo cách an toàn cho môi trường.
Bên cạnh đó, cộng đồng nơi đây còn thiếu nhận thức chung về ảnh hưởng của chất thải độc hại và tồn dư của nó. Hơn nữa, tình trạng bệnh truyền nhiễm lây lan mạnh và dinh dưỡng thấp có thể làm giảm sức đề kháng của người dân trước các chất độc hại. Nhiều nước trong số này cũng thiếu các thiết bị chăm sóc sức khỏe cùng nhân lực cần thiết cho việc chuẩn đoán và chữa trị các chứng bệnh liên quan tới chất thải độc hại.
Không chỉ là vấn đề sức khỏe hay môi trường, việc vận chuyển và xử lý chất thải độc hại ở các nước cận Sahara còn được coi là vấn đề đạo đức. Cuối thập niên 80, bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nigeria Nwachukwu từng miêu tả việc đẩy rác sang các nước phát triển như một hình thức chiến tranh. Bởi trong trường hợp này, rõ ràng các nước công nghiệp phát triển đã đẩy vấn đề của mình sang các nước ít có khả năng tự vệ nhất.
Vấn đề này đòi hỏi sự quan tâm đúng mức và chung tay giải quyết của toàn cầu.