ThienNhien.Net – Cảnh sát quốc tế, các chính trị gia và các nhà bảo tồn mới đây đã đồng loạt cảnh báo rằng Chương trình cắt giảm khí thải CO2 của Liên hiệp quốc bằng cách hỗ trợ các quốc gia nghèo bảo tồn rừng đang có nguy cơ bị lạm dụng.
Theo một kết quả điều tra gần đây, Chương trình Giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng ở các nước đang phát triển (REDD), một dự án mang tính “cách mạng” của UN nhằm cắt giảm khí thải CO2, đang có nguy cơ trở thành phương tiện tham nhũng và có khả năng bị các tổ chức tội phạm lợi dụng.
Liên hiệp quốc, Ngân hàng Thế giới và một số nhân vật nổi tiếng như Thái tử Anh Charles đã ủng hộ mạnh mẽ các kế hoạch mở rộng thị trường khí cacbon toàn cầu của UN nhằm giúp các quốc gia nghèo kinh doanh khí cacbon tích trữ trong các cánh rừng nhiệt đới.
Nếu điều này được thông qua tại Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc tại Copenhagen vào tháng 12 tới thì một khoản tiền lên đến 30 tỉ USD mỗi năm sẽ được chuyển từ các nước giàu sang các quốc gia sở hữu các cánh rừng mưa đang bị đe dọa.
Tuy nhiên các chuyên gia đều cảnh báo rằng dự án này có thể không thể kiểm soát nổi và dẫn đến gian lận. Chính Liên hiệp quốc cũng thừa nhận dự án này có “rủi ro cao”. Nguy cơ tham nhũng REED càng cao ở những quốc gia có nạn tham nhũng trầm trọng.
Interpol trung tuần tháng 10 vừa qua cũng khuyến cáo rằng dự án có nguy cơ cao bị các băng đảng tội phạm lợi dụng vì vùng dự án nằm ở các quốc gia châu Á và châu Phi, nơi nạn tham nhũng đang hoành hành.
Ông Peter Younger, chuyên gia tội phạm môi trường Interpol, kêu gọi cần gióng lên hồi chuông báo động về nguy cơ này. Đơn giản vì Dự án quá lớn để có thể quản lý hiệu quả trong khi các nhóm tội phạm đang săm soi vào thị trường khí cácbon mới từ rừng và điều này chưa được những người lập dự án tính đến.
Sẽ không hề là cường điệu khi cảnh báo về sự nghiêm trọng của nạn chặt phá rừng. Nó là nguyên nhân gây ra khoảng 20% lượng khí thải CO2 toàn cầu. Trong khi các chính phủ đang lo lắng tìm hướng đi mới để đạt được mục tiêu khí thải của quốc gia thì một dự án hứa hẹn đem đến lợi ích cho các nước nghèo, giảm lượng khí thải với chi phí thấp mà không cần phải có công nghệ mới nào như REDD quả thật rất hấp dẫn.
Tuy nhiên nhiều nước có tài nguyên rừng giàu có lại cũng lại là cái nôi nuôi dưỡng nạn tham nhũng và các doanh nghiệp kinh doanh gỗ phi pháp. Những đối tượng này có thể sẽ lợi dụng để chiếm đoạt hàng tỉ USD từ các dự án REDD.
Theo ông Younger, gian lận có thể diễn ra dưới hình thức kê khai các tín chỉ rừng không tồn tại thực tế hoặc không được bảo vệ hay chiếm đất, giả mạo tài liệu. Ông cũng bày tỏ lo ngại vì không thấy “bất kỳ đóng góp nào của các cơ quan cưỡng chế thực thi pháp luật trong việc xây dựng kế hoạch REDD.”
Hans Brattskar, Giám đốc Chương trình Rừng và Khí hậu của Nauy, cũng nhận định rằng cưỡng chế thực thi pháp luật đóng vai trò quan trọng vì tham nhũng là có thực, trong khi việc thực hiện dự án tới cùng là rất bức thiết bởi REDD có thể tiết kiệm được đến 20% lượng khí thải toàn cầu. Nếu không có REED, thế giới sẽ không thể đạt được mục tiêu ngăn chặn biến đổi khí hậu và giữ nhiệt độ tăng toàn cầu ở mức 20C – ngưỡng ngăn chặn thảm hoạ cho nhân loại.
Những người xây dựng dự án REDD cũng quan ngại rằng họ có thể bị mất uy tín khi lợi ích cộng đồng bị những kẻ tham nhũng lợi dụng. Rob Dodwell, một nhà bảo tồn người Anh đang xây dựng các dự án ở Kenya và Cameroon cho biết: “Nguy cơ REDD bị chiếm đoạt và lạm dụng là rất đáng lo ngại. Các công ty khai thác gỗ có thể trở thành các công ty khí cacbon. Và tất cả những gì họ làm lúc ấy chỉ là ngồi đếm cây, chứ không cần đốn cây nữa. Điều này cũng tựa như đưa tiền cho một tên sát nhân dã man vậy”.
Liên hiệp quốc ước tính 25% lượng khí thải lâm nghiệp toàn cầu, tương đương với gần 5% tổng lượng khí thải cacbon toàn cầu có thể tiết kiệm được trước năm 2015 nếu các nước giàu đầu tư 15 tỉ USD thiết lập các dự án REDD.
Cho đến nay, các nước giàu đã đầu tư 52 triệu USD triển khai 9 khu vực thí điểm chính thức các dự án REDD ở Châu Á, Mỹ Latinh và Châu Phi. Thêm vào đó, hàng trăm các dự án tư nhân đã được các ngân hàng, các nhóm bảo tồn và doanh nghiệp tiến hành nhằm cung cấp tín chỉ cacbon trên thị trường tự nguyện.
Tuy nhiên với kinh nghiệm dày dặn làm việc cùng ngành công nghiệp khai thác gỗ và cộng đồng bản địa, các nhóm nghiên cứu và môi trường đều cho rằng các dự án của nhà nước và và tư nhân đang được triển khai hiện nay chưa đảm bảo rằng các cộng đồng vốn sống phụ thuộc vào rừng sẽ được bảo vệ.