Ngăn khủng hoảng tuyệt chủng cần ý chí chính trị

ThienNhien.Net – Hành tinh của chúng ta đang ở giữa giai đoạn khủng hoảng tuyệt chủng, làn sóng tuyệt chủng lớn thứ sáu trong lịch sử nhân loại. Song, không giống những mốc tuyệt chủng lớn trong quá khứ vốn bắt nguồn từ các thảm họa tự nhiên, lần này con người lại là căn nguyên của thảm họa. Liệu những gì con người đã làm để bảo tồn động vật hoang dã có thể giúp ngăn chặn dòng tuyệt chủng này không?


Thật khó để đưa ra con số chính xác, song các nhà khoa học cho rằng các loài động vật trên Trái đất đang dần biến mất với tỷ lệ cao gấp 1000 lần so với trước khi con người xuất hiện. Trong khi đó, loài người cũng đang nỗ lực chống chọi với những tác động của quá trình phát triển và tăng trưởng, cũng như sự biến đổi khí hậu do chính mình gây ra.

Nỗ lực bảo tồn chưa đủ mạnh

Loài người cũng đã nỗ lực rất nhiều để bảo tồn các loài động vật hoang dã. Nhưng một bài báo mới đăng trên tạp chí Bảo tồn Sinh học (Biological Conservation) của nhóm nghiên cứu Australia, dẫn đầu bởi nhà khoa học môi trường Lochran Traill, lại cho rằng con người chưa nỗ lực hết sức để ngăn chặn làn sóng tuyệt chủng.

Nhóm nghiên cứu tuyên bố rằng những chính sách bảo tồn hiện nay có xu hướng đánh giá quá thấp số lượng cá thể cần thiết phải bảo tồn để một loài bị đe dọa có thể tồn tại. Theo Traill, trong trường hợp phải đối mặt với biến động môi trường và những thảm họa tiềm ẩn, số lượng mỗi loài cần duy trì phải đến con số hàng nghìn thì mới mong chúng có thể tồn tại chứ không phải ở con số hàng trăm như mục tiêu của hầu hết các nhà bảo tồn hiện nay.

Lôgíc của Traill xuất phát từ nguyên tắc căn bản rằng số lượng trong quần thể càng nhỏ thì loài đó càng dễ có nguy cơ bị tuyệt chủng. Hơn nữa, những loài có số lượng nhỏ và phân tán không chỉ đối mặt với nguy cơ xóa sổ cao, mà chúng còn dễ bị rơi vào hoàn cảnh giao phối cận huyết, dẫn tới sự giảm sút về đa dạng di truyền và bị đẩy dần tới bờ tuyệt chủng.

Chính vì vậy nhóm nghiên cứu của Traill cho rằng, mục tiêu bảo tồn cần tăng số lượng cá thể. Nguyên tắc cổ điển thường là 50/500 – nghĩa là 50 cá thể trưởng thành trong quần thể loài được bảo vệ khỏi nguy cơ giao phối cận huyết và 500 cá thể được bảo vệ khỏi nguy cơ tuyệt chủng trước các biến động môi trường.

Tuy nhiên, sau khi xem xét các dữ liệu hiện tại, Traill và các đồng sự đã đưa ra một nguyên tắc có chuẩn cao hơn – nguyên tắc 5000 – nghĩa là không dưới 5000 cá thể trưởng thành cần được bảo tồn để tránh cho một loài khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Nếu ngưỡng này bị hạ thấp và có bất cứ biến đổi đột ngột nào, ví dụ môi trường sống suy giảm, dịch bệnh mới xuất hiện, thì một loài đang bị đe dọa có thể sẽ bị xóa sổ ngay trước khi giới bảo tồn có đủ thời gian để can thiệp.

Cái khó nằm ở chính sách

Tuy nhiên, việc nâng chuẩn số lượng loài cần bảo tồn này có thể không khả thi. Trở ngại chính không có gì đáng ngạc nhiên lại là chính sách. Việc yêu cầu một nỗ lực bảo tồn thực sự có thể nằm ngoài tính khả thi về mặt chính trị. Điều này cản trở các nhà bảo tồn. Họ bị kẹt giữa việc nâng cao chuẩn để bảo tồn thành công và việc chấp nhận các quy tắc chính trị.

Theo Traill, các loài dễ bị tổn thương hiện nay chưa được quản lý, bảo tồn thực sự để có thể tồn tại. Và trong hầu hết các trường hợp, mục tiêu bảo tồn chỉ đơn thuần là tối đa hóa sự tồn tại có hạn của các loài, đồng thời để hài hòa với thực tế phức tạp về tài chính và chính trị.

Quả thật, những thực tế chính trị đôi khi rất tàn khốc. Các nhà môi trường của Mỹ đã phát hiện ra rằng, trong suốt thời tổng thống George W. Bush nắm quyền, việc duy trì nguyên tắc bảo tồn động vật hoang dã hiện tại đã là khá khó khăn, chứ chưa nói đến việc đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn.

Song nếu Traill và các đồng sự của ông đúng, thì mức độ bảo tồn hiện nay là chưa đủ để có thể bảo vệ những loài bị đe dọa, đồng thời cũng là quá yếu để có thể ngăn chặn làn sóng tuyệt chủng thứ sáu của lịch sử.

Thế tiến thoái lưỡng nan của các nhà bảo tồn cũng là vấn đề đối với các nhà khoa học khí tượng. Họ nên yêu cầu dứt khoát cắt giảm lượng khí thải cacbon để chống lại sự nóng lên toàn cầu hay nên chấp nhận một một mục tiêu thấp hơn song lại thực tế hơn về mặt chính trị?

Dù đó là vấn đề gì, bảo tồn thiên nhiên hay biến đổi khí hậu, các nhà khoa học thường vẫn phải nhường quyền quyết định cho các chính trị gia!