Sông Nhuệ, Đáy vẫn chờ…cứu!

ThienNhien.Net – 28.000m3 nước thải mỗi ngày đổ vào lưu vực sông Nhuệ và sông Đáy, trong đó có đến 96% là nước thải công nghiệp. Trong số 119 doanh nghiệp thải nước ra sông chỉ có 11 cơ sở đảm bảo chất lượng nước sau xử lý.


Theo báo Thanh Tra số 128, hiện nay, mới chỉ có 55% doanh nghiệp có hệ thống xử lý nước thải, trong đó chỉ 10% đạt tiêu chuẩn; hơn 40% doanh nghiệp chưa áp dụng các biện pháp giảm thiểu khí thải và còn khoảng 80% chất thải rắn chưa được xử lý…

Đáng chú ý là 8 ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển lại nằm trong nhóm gây ô nhiễm nhất, dẫn đầu là ngành hóa chất và phân bón, tiếp đến là công nghiệp chế tạo sản phẩm kim loại, công nghiệp chế biến thực phẩm, giấy, dệt may, nhựa, giày dép, bia rượu và nước giải khát. Dù chiếm 60% nhân lực toàn ngành công nghiệp và đóng góp 52% doanh thu nhưng nguồn khí và nước thải từ 8 ngành này đang là mối nguy cho toàn xã hội. Giải pháp cho vấn đề này là cần áp dụng các cách tiếp cận sản xuất sạch hơn cũng như sử dụng công nghệ ít gây ô nhiễm.

Được biết, hiện nay, nhiều địa phương khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng cơ chế phát triển sạch (CDM). Bởi nó không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mà còn trực tiếp giúp doanh nghiệp thu lợi nhuận từ khí thải. Những ngành có khả năng gây ô nhiễm càng lớn thì càng có cơ hội thu được nhiều lợi nhuận bằng việc áp dụng cơ chế này.

Theo cơ chế phát triển sạch, việc thu hồi được khí sinh học từ các nguồn phát thải sẽ được chứng nhận và cấp tín chỉ carbon sẽ đem lại nguồn tài chính từ việc bán tín chỉ carbon cho các đối tác hoặc các nước phát triển. Một dự án có tiềm năng giảm phát thải khoảng 2.000 tấn CO2 sẽ thu được khoảng 30.000 USD/năm. Vấn đề cơ bản là xác định rõ các nguồn tiềm năng này và đánh giá chi tiết các dự án khả thi tạo ra nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường tại địa phương.