ThienNhien.Net – Việc giá dầu lên tới đỉnh điểm vượt mức 100USD/thùng trong những năm 2005-2007 đã khiến các nhà hoạch định kinh tế toàn cầu phải cân nhắc lại những lựa chọn về năng lượng trong thời đại mà hiện tượng nóng lên toàn cầu và khí thải nhà kính đang là tâm điểm của mối quan tâm toàn cầu. Các quốc gia Đông Nam Á (ĐNA) vốn đã hưởng lợi từ sản lượng xuất khẩu dầu và khí đốt cao ngất ngưởng trong những năm 1970 -1990 cũng gặp rắc rối với vấn đề năng lượng khi trữ lượng dầu cạn kiệt dần và công cuộc tìm kiếm những nguồn cung cấp năng lượng mới sạch hơn vẫn chỉ mới ở giai đoạn nghiên cứu. Trong bối cảnh đó, năng lượng hạt nhân đã trở thành lựa chọn đối với nhiều quốc gia ở khu vực này.
Trong cuộc họp thượng đỉnh ASEAN lần thứ 13 tại Singapore tháng 11/2007, lãnh đạo của các quốc gia thành viên đã tuyên bố sẽ thúc đẩy năng lượng hạt nhân dân sự, cùng với các nguồn năng lượng tái tạo thay thế, mặc dù cũng chính ASEAN đã từng hưởng ứng ý tưởng về khu vực phi hạt nhân vào năm 1971.
Nhiều nhà hoạt động môi trường khu vực đã bày tỏ quan ngại xung quanh kế hoạch phát triển năng lượng hạt nhân, về nguy cơ môi trường, về sự an toàn của cộng đồng và về đặc điểm địa chất vốn không bền vững của khu vực.
Đông Á và ĐNA là khu vực duy nhất trên thế giới hiện nay có hoạt động sản xuất điện hạt nhân phát triển mạnh mẽ. Theo số liệu đưa ra tháng 2/2007 của Tạp chí Tóm tắt Các Vấn đề Hạt nhân (Nuclear Issues Briefing Paper), khu vực này hiện có 109 nhà máy sản xuất năng lượng hạt nhân đang vận hành, 18 nhà máy đang được xây dựng và khoảng 110 nhà máy đang được lên kế hoạch. Ngoài ra, còn có 56 lò phản ứng nghiên cứu tại 14 quốc gia. Trong số các quốc gia lớn ở vành đai Thái Bình Dương, chỉ còn New Zealand và Singapore là chưa có lò phản ứng nghiên cứu. Năng lượng hạt nhân đang phát triển nhanh một cách đáng ngạc nhiên tại Trung Quốc (10 cơ sở), Đài Loan (6), Ấn Độ (15), Nhật Bản (55), và Hàn Quốc (20)…
Nhật Bản, quốc gia sản xuất 29% điện từ năng lượng hạt nhân, hiện có 2 nhà máy đang được xây dựng và 10 nhà máy đã được lên kế hoạch. Nhật Bản được coi là một “siêu cường quốc về hạt nhân”. Trong số các quốc gia không có vũ khí hạt nhân, Nhật Bản là nước vẫn tiếp tục theo đuổi chu trình hạt nhân hoàn chỉnh trong đó Pluto được sử dụng làm nhiên liệu sau khi tái chế chất thải hạt nhân. Nhật đã thu được hơn 45 tấn Pluto, tương đương với 1/5 lượng Pluto dùng cho mục đích dân sự toàn cầu.
Tuy nhiên, những rủi ro cùng với mức độ nguy hiểm cao của các nhà máy năng lượng hạt nhân tại các khu vực bất ổn định về địa chất đang ngày càng gây quan ngại, đặc biệt khi xảy ra các vụ thiệt hại ở các nhà máy năng lượng hạt nhân do động đất trong những năm gần đây ở Nhật Bản, mặc dù các nhà máy đã được thiết kế để có thể chống chịu được các trận động đất mạnh tới 6,5 độ richter.
Cuộc chạy đua năng lượng hạt nhân ở ĐNA
Với sự giúp đỡ của Ngân hàng thế giới và ADB, Lào trở thành quốc gia cung cấp điện ở ĐNA, song không phải quốc gia nào trong khu vực cũng may mắn có được tiềm năng thủy điện dồi dào như Lào.
Trong khi một quốc gia nghèo như Lào không phải là một ứng viên để phát triển năng lượng hạt nhân dân sự, thì quốc gia láng giềng Miến Điện đã tuyên bố ý định xây dựng ít nhất một lò phản ứng nghiên cứu.
Thái Lan, đất nước từ lâu đã là đối tác chính mua năng lượng thủy điện của Lào, hiện nay cũng đã tuyên bố về tham vọng sản xuất năng lượng hạt nhân của mình. Theo kế hoạch Phát triển Năng lượng của Thái Lan, bốn nhà máy năng lượng hạt nhân với công suất 1000 MW sẽ được xây dựng và bắt đầu sản xuất điện vào năm 2020-2021. Lãnh đạo Tập đoàn điện lực Thái Lan (EGAT) khẳng định rằng năng lượng hạt nhân sẽ rất cần thiết trong trường hợp thiếu khí đốt tự nhiên xảy ra trong 3 đến 4 năm tới.
Trong số các quốc gia chủ chốt của ASEAN dường như chỉ có Singapore đứng ngoài vấn đề năng lượng hạt nhân dân sự. Đầu năm 2007, thủ tướng Singapore, ông Lý Hiển Long trong một cuộc phỏng vấn đã thể hiện sự lo ngại về an toàn và an ninh liên quan tới tham vọng năng lượng hạt nhân của các quốc gia trong khu vực. Với Singapore nhiệt điện dùng khí đốt là lựa chọn năng lượng chính thức. Song tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN 2007, Singapore cũng đưa ra ý kiến rằng sử dụng năng lượng mặt trời là lựa chọn sáng suốt nhất, xét trên tình trạng bất ổn của các nguồn cung cấp dầu và khí gas, chưa kể đến áp lực về giá cả và những vấn đề về môi trường khác. |
Từ năm 1984, Việt Nam đã vận hành một lò phản ứng có công suất 500 KW cho mục đích nghiên cứu y học tại Tây Nguyên. Nhưng do sự tăng trưởng kinh tế và gia tăng dân số, nhu cầu về năng lượng của Việt Nam cũng tăng lên, đòi hỏi một nguồn năng lượng mới. Con số thống kê năm 1997 cho thấy 62% sản lượng điện tại Việt Nam là thủy điện, 17% từ các nhà máy nhiệt điện dùng than và 20% từ các nhà máy nhiệt điện dùng dầu hay khí đốt. Hiếm có quốc gia nào ở ĐNA có nguồn năng lượng tổng hợp như thế. Tuy nhiên, thủy điện vẫn là nguồn năng lượng chủ yếu của miền Bắc và công suất sản xuất điện không ổn định vào mùa khô khiến Việt Nam vẫn phải nhập khẩu điện từ Lào, Campuchia và Trung Quốc.
Nhu cầu đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng và đáp ứng an ninh năng lượng đã thúc đẩy Việt Nam hướng tới lựa chọn năng lượng hạt nhân. Năm 2005, ý tưởng về nhà máy năng lượng hạt nhân đầu tiên tại tỉnh Ninh Thuận được đề xuất với dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào khoảng năm 2017-2020.
Cho tới gần đây các quan chức Malaysia vẫn tuyên bố rằng quốc gia này không cần năng lượng hạt nhân dân sự vì đã có nguồn cung năng lượng dồi dào. Tuy nhiên Phó thủ tướng Malaysia, ông Najib Tun Razak, lại tuyên bố rằng những hạn chế về trữ lượng nhiên liệu hóa thạch có thể buộc quốc gia này phải lựa chọn năng lượng hạt nhân. Malaysia cũng đã khẳng định quyền được phát triển năng lượng hạt nhân của các quốc gia thành viên Tổ chức Các nước không liên kết (NAM). Cơ quan Hạt nhân Malaysia (MOSTI) còn thể hiện kỳ vọng quốc gia này sẽ có một nền công nghiệp hạt nhân phát triển trong tương lai.
Indonesia và tham vọng trở thành cường quốc hạt nhân ĐNA
Năm 2005, Indonesia – quốc gia sản xuất khí đốt thiên nhiên lớn nhất thế giới, đồng thời là một nước xuất khẩu dầu – đã thông báo sẽ xây dựng nhà máy năng lượng hạt nhân đầu tiên của mình. Dự án sẽ xây dựng bốn nhà máy có công suất 1000 MW, ít hơn so với 12 nhà máy theo kế hoạch ban đầu. Công trình sẽ được khởi công năm 2010 và theo dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2017.
Tuy nhiên, dự án cũng đã vấp phải làn sóng chỉ trích từ các nhà lập pháp, các học giả, dư luận và cư dân địa phương vì những quan ngại về môi trường và địa chất. Các nhóm môi trường như WALHI hay Diễn đàn vì Môi trường Indonesia đều lo ngại rằng một lượng phóng xạ rò rỉ dù nhỏ cũng có thể ảnh hưởng tới hàng chục triệu người dân sống tại khu vực có mật độ dân số đông nhất thế giới này.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Indonesia thành công lớn trong việc tạo ra một “chu kỳ nhiên liệu bản địa”. Mặc dù chỉ tiến hành ở cấp độ phòng thí nghiệm, nhưng nhiều bằng chứng cho thấy Indonesia rất tích cực trong việc chuyển hóa, xử lý và nghiền Uranium. Chương trình nghiên cứu hạt nhân của quốc gia này đã kéo dài 5 thập kỷ. Ba lò nghiên cứu đang hoạt động cùng với một lò đang được lên kế hoạch. Indonesia sở hữu ít nhất hai mỏ Uranium có khả năng cung cấp đủ năng lượng phục vụ nhu cầu trong nước cho những lò phản ứng đã được lên kế hoạch.
Mặc dù có sự kiểm soát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), SIPRI vẫn lo ngại về điều kiện địa lý không ổn định cùng với tình trạng an ninh không đáng tin cậy trong việc kiểm soát công nghệ này ở Indonesia.
Theo Trung tâm Thông tin Hạt nhân Dân sự có trụ sở tại Tokyo (CNIC), Nhật và Triều Tiên là hai quốc gia rất mong muốn ký được các hợp đồng xây dựng nhà máy hạt nhân cho các quốc gia trong khu vực ĐNA, trong đó Indonesia là mục tiêu của cả hai quốc gia này.
Bài học năng lượng hạt nhân từ Philipin
Dường như ĐNA cho đến nay vẫn chưa thấm nhuần kinh nghiệm đau thương của Philipin về năng lượng hạt nhân. Dự án năng lượng hạt nhân Battan ở miền Bắc Manila, Philipin là một thông điệp mạnh mẽ cho các quốc gia có ý định phát triển năng lượng hạt nhân.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng, đầu những năm 1970, chính quyền tổng thống Marcos đã xây dựng lò phản ứng Westinghouse và mặc dù đã hoàn thành nhưng nhà máy này đến nay chưa bao giờ được vận hành. Đó là hậu quả của sự quy hoạch không đầy đủ, tham nhũng và sai sót trong việc tính toán chi phí cũng như lợi nhuận.
Đầu năm 1986, các thanh tra viên quốc tế kết luận khu vực nhà máy không an toàn và không thể hoạt động được do nằm gần với đường đứt gãy động đất và núi lửa đã tắt Pinatubo. Dưới sức ép của dư luận, chính quyền mới đắc cử của tổng thống Aquino (1986-1992) đã đóng cửa nhà máy hạt nhân này mãi mãi bằng lệnh cấm sử dụng năng lượng hạt nhân và đưa qui định này vào hiến pháp.
Trên 30 năm qua, cho tới tận cuộc họp vào tháng 4 năm 2007, người đóng thuế ở Philipin vẫn phải trả 155 000 USD tiền lãi mỗi ngày cho nhà máy chưa bao giờ sản xuất được 1KW điện nào này.
Bài học của Philipin đối với các quốc gia vùng ĐNA là rất rõ ràng. Khi khoa học và kỹ thuật của các nền kinh tế tiến bộ nhất thế giới còn đi sai đường, thì nguy cơ sai lầm ở các nền kinh tế đang phát triển còn lớn hơn.
Geoff Gunn, tác giả bài viết, là giáo sư chuyên ngành Quan hệ quốc tế của Đại học Nagasaki (Nhật Bản), đồng thời là một chuyên gia về Indonesia, Đông Timor và Malaysia. Ông là tác giả của hai cuốn sách Sự toàn cầu hóa đầu tiên và Giao thoa Âu Á 1500-1800. |