Cộng đồng quản lý công sản tốt hơn chính quyền

ThienNhien.Net – Đây là luận điểm quan trọng được nhấn mạnh trong nghiên cứu về kinh tế học của Giáo sư Elinor Ostrom (ĐH Indiana) – nhà khoa học chính trị nổi tiếng người Mỹ, giúp bà trở thành người phụ nữ đầu tiên trên thế giới giành được một trong những giải thưởng sáng giá nhất về khoa học – Giải Nobel kinh tế năm 2009.

Trong công trình phân tích quản lý kinh tế của mình, bà đã chỉ ra rằng, các cộng đồng địa phương (những người sử dụng) có thể tự mình quản lý công sản tốt hơn so với các quyền lực áp đặt từ bên ngoài. Bởi các nhà quản lý quan liêu thường không có thông tin chính xác, còn các công dân và người sử dụng tài sản đó lại nắm rõ thông tin hơn ai hết.

Nghiên cứu này đã đưa việc phân tích các thể chế kinh tế phi thị trường “từ ngoài rìa trở thành trung tâm của phân tích kinh tế”, trái hẳn với quan niệm cũ cho rằng, hệ thống tài nguyên dùng chung cần phải được chính quyền trung ương quản lý hoặc được tư nhân hóa. Và đây cũng chính là điểm được Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển (RSAS) đánh giá cao.

Theo Gs. Ostrom, công sản là những tài nguyên mà nhiều người có thể sử dụng nhưng việc tiêu dùng của người này làm giảm khả năng tiêu dùng của người kia, ví dụ như bãi cá, đồng cỏ, rừng, nước, không khí, đại dương…

Tuy nhiên, bà không tán thành với quan điểm của nhà sinh vật học Garrett Hardin khi ông này cho rằng, để hạn chế việc khai thác tài nguyên quá mức (còn gọi là “Bi kịch của công sản”) thì cần phải tư nhân hóa hoặc đánh thuế thật cao, tức là áp dụng các quy định từ bên ngoài cộng đồng, thường do chính quyền trung ương tiến hành.

“TS. Hardin và các học trò của ông đã thất bại khi đánh giá thấp vị trí của các cơ quan địa phương trong việc ngăn chặn tấn “bi kịch của công sản” về tài nguyên. Bởi trên thực tế, hiện trạng tài nguyên vẫn xuống cấp trầm trọng khi các cấp chính quyền chuyển giao quyền quản lý cho các công chức ở xa, họ thường thiếu chuyên môn hay động lực để làm đúng công việc được giao” – Gs. Ostrom cho biết.

Theo bà, trong phạm vi của mình, các quan chức nên kết nối với cộng đồng và tìm hiểu kiến thức về địa phương để có thể nhận được những phản hồi nhanh từ việc thay đổi các chính sách cũng như học hỏi thêm kinh nghiệm của các địa phương khác.
 

Tiên Ngân (Theo TierneyLab)

Căn cứ vào rất nhiều nghiên cứu của mình, bà nhận thấy, việc quản lý công sản của cộng đồng thường được thực hiện rất tốt. Do vậy, bà đề xuất giải pháp thứ ba, đó là giữ nguyên tính chất “của chung” của tài nguyên và để người sử dụng tự tạo ra hình thức quản lý phù hợp cho mình.

Bà khẳng định, không phải lúc nào cơ chế quản lý công sản cũng là một “bi kịch”. Trong nhiều trường hợp, các thể chế quản lý công sản của cộng đồng tỏ ra hiệu quả và có tính bền vững. Trái lại, nhiều quy định hạn chế sử dụng tài nguyên của chính phủ với mục đích bảo vệ các tài nguyên này lại trở thành phản tác dụng do sự thiếu hiểu biết về hoàn cảnh cũng như tập quán của địa phương.

Một ví dụ là dân du mục sinh sống ở đồng cỏ ở Mông Cổ thường di chuyển đàn gia súc của mình từ bãi chăn thả này sang bãi chăn thả khác. Truyền thống này được thực hiện hàng ngàn năm cho tới khi chính phủ trung ương xây dựng các hợp tác xã tập thể và buộc người du cư phải sống định cư. Thế nhưng việc định cư này đã gây ra các hậu quả tai hại do những người chăn thả sẽ thả gia súc ở những bãi cố định, và làm cho các đồng cỏ quanh nơi họ sinh sống bị cạn kiệt.

Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh, việc tự quản lý của cộng đồng không phải lúc nào cũng thành công. Có nhiều ví dụ cho thấy tư nhân hóa hay quy định của chính phủ mang lại các kết quả tốt hơn. Muốn quản lý hiệu quả, cần phải dân chủ hóa quá trình ra quyết định, tức là đa số người sử dụng phải có quyền tác động tới việc điều chỉnh thay đổi quy định. Chính quyền phải tôn trọng quyền của cộng đồng những người sử dụng tài nguyên. Thêm vào đó, việc giám sát và thực thi nên do những người sử dụng tự thực hiện thay vì do người bên ngoài.

Đồng nhận giải Nobel kinh tế với Gs. Ostrom lần này là Gs. Williamson (ĐH California, Mỹ). Trong khi Gs. Ostrom chú trọng vào việc xác định rõ phương thức để các nhóm sử dụng tài nguyên quản lý thành công thì Gs. Williamson lại phát triển lý thuyết cấu trúc doanh nghiệp trong việc giải quyết xung đột. Theo ông Williamson, các tổ chức có cấp bậc như các công ty đóng vai trò những cấu trúc quản trị thay thế, có các cách tiếp cận khác biệt trong việc giải quyết những xung đột lợi ích.

Các lý thuyết của hai nhà kinh tế học này được đánh giá là những tác phẩm mang tính đột phá và có thể ảnh hưởng tới những nỗ lực ngăn chặn các cuộc khủng hoảng tài chính khác trong tương lai, đặc biệt, chúng góp phần vào việc đưa nghiên cứu quản trị kinh tế từ bên lề vào vị trí trung tâm của sự chú ý.

Lễ trao giải sẽ được tiến hành vào ngày 10/12/2009 nhân kỷ niệm ngày mất của Alfred Nobel (1896). Hai vị giáo sư sẽ cùng chia sẻ khoản tiền thưởng 10 triệu kronor Thụy Điển, tương đương 1,44 triệu USD.

Sinh năm 1933, Gs. Ostrom được coi là một trong những học giả hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu công sản. Nghiên cứu của bà thường nhấn mạnh tới mối quan hệ giữa con người với hệ sinh thái, trong đó con người vừa giúp ngăn chặn vừa là nguyên nhân gây ra không ít sự sụp đổ của hệ sinh thái. Năm 1999, bà là phụ nữ đầu tiên nhận giải Johan Skytte về khoa học chính trị. Năm 2005, bà được trao giải James Madison về khoa học chính trị và tới năm 2008 trở thành người phụ nữ đầu tiên nhận giải William H. Riker. Ngoài ra, bà còn được vinh danh rất nhiều giải thưởng khoa học khác.