Rau muống nhiễm độc vẫn chờ được… kiểm tra!

ThienNhien.Net – Là vị thuốc nam chữa bênh, nhưng hơn hết, rau muống là món ăn truyền thống không thể thiếu của mỗi gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, chất lượng rau muống ngày càng bị thả nổi, khiến nhiều người tiêu dùng lo ngại. Báo chí đã phản ánh nhiều, người dân cũng lên tiếng không ít… nhưng đến nay, các cơ quan chức năng dường như vẫn đứng ngoài cuộc, không biết vì lý do gì?


Nhiều nghiên cứu đã khẳng định rau muống có khả năng hấp thụ độc tố trong đất và nước, đặc biệt là chất chì. Các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng đã lựa chọn rau muống và bèo tây để thử nghiệm xử lý đất nhiễm chì tại một số ruộng ở thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, Hưng Yên.

Sở dĩ rau bị nhiễm độc kim loại, nhiễm chì, theo nhiều nhà khoa học, là bởi được trồng gần các cơ sở sản xuất hoặc trong những nguồn nước bị ô nhiễm, có hàm lượng kim loại nặng hòa tan cao. Các loài rau ăn lá có xu hướng bị nhiễm nhiều hơn, trong đó có rau muống, rau nhút, ngó sen, rau cần nước…

Khảo sát của Phân viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động tại TP.HCM cho thấy, trong hơn 25 mẫu rau được lấy ngẫu nhiên thì có đến 16 mẫu (chủ yếu là rau muống) có hàm lượng chì vượt quá mức cho phép, từ 0,17 đến 1,32 mg/kg, các loại rau nhút và rau om (ngổ) thì tỉ lệ thấp hơn…

Thạc sĩ Đặng Thị Thảo, Phân viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động tại TP.HCM, cho biết, nếu sử dụng thường xuyên nguồn rau muống “giàu chì” này thì sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến sức khoẻ, đặc biệt có thể gây ung thư, suy gan, thận và ảnh hưởng đến hệ thần kinh, răng, tóc, da… Trẻ em bị ngộ độc mãn tính chì sẽ bị chậm phát triển trí não.

Còn theo BS Nguyễn Xuân Mai, Viện phó Viện Y tế công cộng TP.HCM, thực phẩm nhiễm chì ở mức vượt ngưỡng quy định thì chỉ còn nước mang đi tiêu huỷ.

Dù đã có nhiều cảnh báo về vấn đề này nhưng rau muống ô nhiễm vẫn được tiêu thụ đều, nhất là tại 2 thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM, nơi vẫn phải nhập rau về từ các tỉnh thành lân cận.

Được biết, hiện nay, TP.HCM mới chỉ mới đáp ứng được 20 – 30% nhu cầu rau quả của người dân, 70-80% còn lại là phải nhập. Rau muống của tp.HCM nhập nhiều từ các tỉnh đang rầm rộ tiến hành công nghiệp hoá nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải tương thích. 

Còn tại Hà Nội, như nhận định trên một bài báo, có 60% lượng rau muống bị thả nổi về chất lượng, hàng nghìn ha rau vẫn hàng ngày được tưới bằng nước thải ô nhiễm hoặc phân tươi. Tuy nhiên, con số này có lẽ còn khiêm tốn so với thực tế. Vì chưa có ai dám khẳng định rằng 40% rau muống hiện nay đã được kiểm soát chất lượng hoặc đạt chuẩn an toàn. Hình ảnh rau được trồng trên những dòng sông, những ao tù đen ngòm giờ cũng đã quen mắt. 

Thiết nghĩ, dù ngay trước mắt chưa tìm được giải pháp cho vấn đề này thì các cơ quan chức năng cũng nên có những điều tra sơ bộ. Thờ ơ với rau muống nhiễm độc cũng chính là thờ ơ với với sức khoẻ của chính mình, thờ ơ với sự bế tắc của người trồng rau!