ThienNhien.Net – Thiên Niên Kiện có tên khoa học <i>Homalomena amoraticae</i> thuộc họ ráy <i>Araciae</i>, người dân thường gọi là Củ ráy rừng, hay còn gọi là Sơn Thục, tiếng dân tộc gọi là củ quành. Thiên Niên Kiện có nghĩa là ngàn năm kiện tráng, vì uống loại dược liệu này có tác dụng mạnh gân xương, khỏi được bệnh phong tê thấp, làm tráng kiện. Trong y học cổ truyền, Thiên Niên Kiện được coi là một loài dược liệu quý.
Mặc dù trong tài liệu có ghi chép Thiên Niên Kiện có tác dụng vào các kim Can và Thận, trừ phong tê thấp, đau nhức gân xương co quắp tê dại… Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng sẽ gây nguy hiểm. Chẳng hạn, dược liệu này cấm chỉ định đối với những người âm hư nội nhiệt. Mỗi lần dùng chỉ từ 4-8 gam cho một thang thuốc. Không nên dùng riêng lẻ, nếu dùng để ngâm rượu thì chỉ để xoa bóp bên ngoài, uống vào thì sẽ nôn, choáng váng, đau đầu, nếu uống nhiều sẽ chảy máu dạ dày. Tại một số địa phương, nhất là đồng bào miền núi, sẵn có Thiên Niên Kiện nên ngâm rượu có mùi thơm, nên nhiều người uống vào đã bị chảy máu dạ dày.
Thiên Niên Kiện có nhiều ở các vùng Thanh Hóa, Nghệ An… Tuy nhiên, việc vào rừng khai thác Thiên Niên Kiện một cách tràn lan, tự do rất đáng lên án, khiến rừng mất độ ẩm, gây xói mòn đất làm ảnh hưởng môi trường sinh thái. Do đó, cần có các biện pháp quản lý đối với loại dược liệu quý này.
Thiên Niên Kiện muốn dùng được phải sấy khô. Quá trình sấy Thiên Niên Kiện thường xảy ra hỏa hoạn bởi lẽ hàm lượng tinh dầu trong Thiên Niên Kiện rất cao, khi sấy khô, lửa dễ bén, nên phải cẩn thận. Đã có nhiều trường hợp cháy lán, lan vào rừng. Khi đốt củi sấy Thiên Niên Kiện phải làm lò, phải có sự giám sát chặt chẽ việc sấy Thiên Niên Kiện trong mùa hè.
Thực tế khi bà con đi thu mua và sấy Thiên Niên Kiện thường làm lán ngay trong rừng để tiện nguồn củi, lại không có sự giám sát, nên rất dễ gây cháy rừng. Do dó, các cơ quan quản lý cần lưu ý vấn đề này, đồng thời cần tuyên truyền, vận động để người dân ý thức được công việc tránh gây cháy rừng.