ThienNhien.Net – Đã hai mươi ngày kể từ khi Phòng CSMT Công an tỉnh Quảng Ninh bắt quả tang nhân viên trại gấu thuộc công ty Việt Thái chích hút và bán mật gấu trái phép cho khách du lịch nước ngoài nhưng các cơ quan chức năng chưa có động thái xử lý tang vật và đối tượng vi phạm. Mới đây, Tổ chức Động vật châu Á (AAF) cùng một số tổ chức phi chính phủ đã đề nghị các nhà chức trách thu hồi số gấu bị khai thác trái pháp luật và giao cho AAF chăm sóc.
–> Bắt 9 nhân viên trại gấu bán mật gấu trái phép
Theo bà Jill Robinson, người sáng lập đồng thời là Giám đốc điều hành AAF, cuộc đột kích vào trại gấu của công ty Việt Thái (tên đầy đủ: Công ty TNHH một thành viên Thương mại và du lịch Việt Thái, thuộc xã Đại Yên, TP Hạ Long) xuất phát từ một nguồn tin do quần chúng cung cấp. Trong cả một thời gian dài, trại gấu này cùng nhiều trại khác trong vùng đã không đăng ký nuôi gấu và vẫn khai thác mật gấu trái phép. “Suốt 2 năm nay, AAF đã đề nghị tịch thu 80 con gấu, trong đó có 24 con bất hợp pháp tại xã Đại Yên, nhưng đến nay chúng tôi chưa được bàn giao bất kỳ một cá thể gấu nào” – bà Robinson bức xúc.
Theo Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới, 6 trên tổng số 8 loài gấu trên toàn cầu đang có nguy cơ tuyệt chủng. Trong đó, gấu trúc lớn (Ailuropoda melanoleuca) được xếp vào loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất.
Năm loài gấu khác đang trong tình trạng bị đe doạ tuyệt chủng. Đó là trường hợp của gấu chó (Helarctos malayanus), gấu ngựa (Ursus thibetanus), gấu lợn (Melursus ursinus) hay còn gọi gấu lười, gấu bốn mắt (Tremarctos ornatus) hay còn gọi là gấu Andes, gấu trắng Bắc cực (Ursus maritimus). Việt Nam có hai loài gấu, là gấu chó và gấu ngựa. Chủ yếu gấu bị nuôi nhốt trong các trang trại và bị khai thác lấy mật là gấu ngựa. |
Bà cho biết, sau mỗi cuộc đột kích vào các trại gấu ở Việt Nam, AAF đều gửi thông điệp tới Chính phủ, đề nghị tịch thu số gấu trái phép và chuyển về trại cứu hộ gấu để chăm sóc. “Đã đến lúc các cơ quan chức năng Việt Nam nên lắng nghe cộng đồng quốc tế và dư luận vì điều này sẽ làm tổn hại lớn đến hình ảnh của Việt Nam trên toàn thế giới” – bà Robinson nói.
Kể từ năm 2007 đến nay, AAF đã có được những thước phim và ảnh chụp về những con gấu bị nuôi nhốt trái phép tại Đại Yên phản ánh rõ tình trạng hàng ngày những con gấu nơi đây vẫn bị trích mật để bán cho khách du lịch. Đây rõ ràng là hành vi coi thường pháp luật của các chủ trại gấu.
Trên thực tế, những con gấu tại trang trại khu vực Hạ Long đang giúp những kẻ khai thác bất hợp pháp thừa hưởng những món lợi khổng lồ từ việc bán mật. Theo báo cáo của Phòng CSMT Quảng Ninh, mỗi tháng, trang trại Đại Yên nhận được đơn đặt hàng mật gấu tươi của 30 – 40 nhóm tour du lịch, với giá mỗi cc là 6 USD. Mật được người mua dùng để chữa trị bệnh.
Ông Tuấn Bendixsen cho biết, tình trạng mật gấu nuôi bất hợp pháp đã diễn ra ở Việt Nam từ những năm 1992 và hiện nay có khoảng 4000 gấu đang bị nuôi nhốt tại các trang trại.
Tháng 11/2005, AAF đã ký kết một thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam để cứu hộ 200 con gấu và đưa chúng về chăm sóc tại Trung tâm cứu hộ gấu tại Vườn quốc gia Tam Đảo. Nhưng đến nay, Khu bảo tồn này mới chỉ tiếp nhận được 30 cá thể gấu bị tịch thu, và hiện vẫn còn khả năng thể tiếp nhận thêm 100 con gấu nữa.