Cân nhắc và lựa chọn để phát triển sản phẩm biến đổi gen

ThienNhien.Net – Với tốc độ đô thị hoá và mức tăng dân số như hiện nay thì mỗi năm nước ta sẽ mất khoảng 50.000-70.000 ha đất canh tác, song lại đòi hỏi ngành nông nghiệp phải cung cấp thêm 1 triệu tấn lương thực. Vì vậy, để đáp ứng được đủ nhu cầu thực tế, Việt Nam cần xem xét việc phát triển cây trồng biến đổi gen trong chiến lược phát triển ngành nông nghiệp.


“Từ năm 2011 đến 2015, Việt Nam sẽ trồng thí điểm một số giống cây trồng biến đổi gen và đến năm 2020, cây trồng biến đổi gen (như bông, ngô, đậu tương) sẽ chiếm 30-50% diện tích canh tác.” –
Giải pháp này được Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Lê Duy Hàm chia sẻ tại Hội nghị quốc gia về sinh vật biến đổi gen và quản lý an toàn sinh học, do Tổng cục Môi trường phối hợp với Viện Công nghệ sinh học tổ chức ngày 28/08/2009.

Ông Hàm cho biết, các loại cây trồng chuyển gen sẽ không chỉ có khả năng kháng các bệnh virus, vi khuẩn, nấm, kháng chất diệt cỏ… mà còn góp phần tạo nên ngành trồng trọt sạch, ít dùng hóa chất.

Tuy nhiên, các sản phẩm liên quan đến biến đổi gen cũng có mặt trái cần phải chú ý. Về lâu dài, chúng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người (độc tố, dị ứng), đến môi trường (hệ sinh thái của vi sinh vật đất) và đa dạng sinh học (biến cây trồng khác thành cỏ dại, tăng tính kháng thuốc ở sâu hại…).

Năm 1995, toàn thế giới mới có 0,5 ha cây trồng chuyển đổi gen nhưng nay con số này tăng lên 127 triệu ha. Tuy nhiên, quan điểm và chính sách phát triển loại cây trồng này của các quốc gia lại có sự khác biệt cụ thể. Nhóm ủng hộ gồm Canada, Mỹ, Mexico, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia…Nhóm không ủng hộ chủ yếu là các nước châu Âu. Còn lại là nhóm còn lại tỏ thái độ chờ đợi.

Mặc dù nước ta có thế mạnh về xuất khẩu nông sản, đặc biệt là gạo, song các bạn hàng lớn như Nhật Bản và các nước châu Âu cũng đã có quy định rõ ràng từ chối nhập các sản phẩm  có chứa yếu tố biến đổi gen. Vì vậy, nếu không chuẩn bị hành lang pháp lý kỹ càng trong quản lý an toàn sinh học thì chúng ta rất dễ “mắc bẫy” thương mại và ảnh hưởng đến thương hiệu và sản lượng xuất khẩu.

Chia sẻ về khó khăn này, Ông Bùi Cách Tuyến – Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường – cho rằng trong thời gian tới, Việt Nam cần chú trọng ứng dụng lĩnh vực biến đổi gen cho những sản phẩm không phải là lương thực, thực phẩm để tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ và xuất khẩu nông sản.

Ông Tuyến cũng cho biết, trên thực tế, việc kiểm soát các sản phẩm biến đổi gen bằng công nghệ thiết bị phân tích là không khó, vấn đề là chưa có cơ chế, văn bản pháp lý quy định chặt chẽ.

Hiện Bộ Tài nguyên & Môi trường đang chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen. Dự kiến, trong tháng 10 sẽ xem xét trình Chính phủ.

Còn Bộ NN&PTNT cũng đã xin phép trồng thí điểm một số cây trồng biến đổi gen như bông, đỗ tương, ngô để kiểm nghiệm để quyết định xem có áp dụng trồng rộng rãi những giống cây này hay không.