Mở bể "vàng đen" ĐBSH – cần đánh giá môi trường chiến lược

ThienNhien.Net – Đề án phát triển Bể than đồng bằng sông Hồng (*) do Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) xây dựng và trình Chính phủ là một trong những đề xuất về khai thác tài nguyên khoáng sản quốc gia quy mô nhất và hệ trọng nhất của nước ta từ trước đến nay. Với trữ lượng dự đoán lên đến 210 tỷ tấn, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia thứ nhì thê giới về trữ lượng than, chỉ sau Mỹ. Nhưng, nếu không đủ thận trọng, Việt Nam cũng có thể sẽ mất đi vựa lúa lớn thứ nhì của mình, và hứng chịu những tổn thất không cách nào bù đắp.


Đánh thức lòng đất

Bể than ĐBSH được phát hiện từ năm 1961, khi Đoàn địa chất 36 (tiền thân của Tập đoàn dầu khí quốc gia VN), thuộc Tổng cục Địa chất, khoan lỗ khoan số 1 ở xã Phùng Hưng (H.Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) sâu 1.200m đã phát hiện trong trầm tích Miocen có chứa 12 vỉa than nâu biến chất thấp đạt giá trị công nghiệp. Năm 1986, Vũ Xuân Doanh (Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, Bộ TN-MT) dự báo có khoảng 210 tỉ tấn than biến chất thấp tại miền võng Hà Nội (ĐBSH). Vùng than này lớn gấp 20 lần trữ lượng than Quảng Ninh. Đây là than nâu, loại trầm tích mới ở giai đoạn đầu của quá trình hình thành đá, nằm ở độ sâu từ 120m đến 2.500m dưới lòng đất. Khu vực chứa than có diện tích tới 3.500 km2, với khoảng 100 vỉa có chiều dày khác nhau. Theo nhận định của TKV, than ĐBSH rất có giá trị về mặt năng lượng.

Với lý luận rằng trong tương lai gần, nhu cầu than của Việt Nam để sản xuất năng lượng nhiệt điện phục vụ phát triển kinh tế rất lớn, song khai thác than trong nước không đáp ứng đủ, TKV đã đề xuất ý tưởng khai thác bể than ĐBSH (từ đây xin gọi chung là Đề án).

Đáng quan ngại về nhiều mặt

Bộ Công thương – đơn vị chủ quản của TKV, đồng thời là cơ quan thẩm định Đề án – cho rằng Đề án chứa đựng nhiều thông tin giá trị và là cơ sở quan trọng để tiếp tục quy hoạch phát triển Bể than ĐBSH, đồng thời đề nghị Chính phủ chấp thuận cho TKV phát triển quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến và sử dụng than năm 2020- 2030.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn chuyên gia, các đơn vị tham gia phản biện cho đề án bày tỏ nhiều ý kiến quan ngại. Liên hiệp các hội Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam cho rằng Đề án còn nhiều chỗ sơ sài, trùng lặp, thiếu cơ sở chưa đạt yêu cầu theo các quy định hiện hành…

Trường Đại học Mỏ – Địa chất – đơn vị đồng phản biện Đề án – nhận định các phương án thử nghiệm khai thác than hầm lò khu Bình Minh (H.Khoái Châu, Hưng Yên), khai thác hầm lò khu mỏ Tây Sa (tỉnh Thái Bình) và khí hóa than mỏ Tiên Dung (Hưng Yên) còn chưa rõ ràng, cụ thể.

Còn Tổng hội Địa chất VN thì cho rằng: “TKV đã dẫn ra một số mỏ ở các nước Nga, Trung Quốc, Nhật Bản… khai thác bằng phương pháp hầm lò hoặc khí hóa than ngầm nhưng không nêu và so sánh những đặc thù địa chất, địa chất thủy văn, địa chất công trình và điều kiện sinh thái của vùng mỏ nên chưa đủ cơ sở dựa vào đó để áp dụng cho các mỏ ở ĐBSH trong trầm tích Neogen gắn kết yếu và ngập nước.”

Nguy cơ sụt lún

Trong khai thác, mỏ nước ngầm là vấn đề hết sức phức tạp, dễ gây ra nguy cơ mất an toàn. Riêng ở ĐBSH, bên trên địa tầng chứa than là lớp đất phủ đệ tứ có chứa nhiều nước, địa hình bề mặt lại là vùng đồng bằng trồng lúa nước nên vấn đề bảo vệ mặt đất, chống lún sụt bề mặt đồng bằng được các nhà khoa học quan tâm đặc biệt.

Theo PGS. TS. Nguyễn Đình Hòe – Trưởng ban Phản biện xã hội Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam – Bể than ĐBSH nằm trong khu vực kiến tạo hiện đại hoạt động mạnh, các đứt gãy đang hoạt động kéo theo hoạt động nứt đất ngầm theo chiều từ dưới sâu lên mặt đất khá dày đặc. Toàn vùng lại nằm trong đới động đất cấp 7, cấp 8 nên nguy cơ sụt lún khá cao.

Bản thân TKV cũng đã nhìn nhận được nguy cơ này và đề xuất chống sụt lún bằng cách bù cát, phù sa vào khoảng trống đã khai thác hoặc để lại các trụ than bảo vệ vĩnh cửu… Tuy nhiên, nhìn chung, ý kiến nhiều nhà khoa học cho rằng giải pháp này chưa thuyết phục.

TS. địa chất Nguyễn Sỹ Quý, nguyên cán bộ Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương), lo ngại rằng nguy cơ sụt lún sẽ không diễn ra ngay lập tức, mà là sụt lún lâu dài, sụt lún tại chỗ và sụt lún lan tỏa có thể biến đồng bằng phì nhiêu này thành hồ chứa nước nhiễm mặn…

TS. Võ Công Nghiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Địa chất thủy văn, Tổng cục Địa chất cho rằng: ĐBSH có địa hình bằng phẳng, đất cát, thịt mềm bở, khi khai thác sẽ phải bơm nước ra, cho mực nước ngầm hạ xuống để xuống đào hầm lò. Khí hóa than ngầm thì cũng phải hút nước ra. Hút nước ra đất bở rời sẽ dễ lún xuống, dễ xảy ra tình trạng phễu hạ thấp theo đường tròn, đất sẽ lún xuống theo hình phễu lan tỏa từ tâm ra xung quanh.

 Than Quang NInh
  Khai thác than và bảo vệ môi trường luôn là bài toán nan giải. (Ảnh: ThienNhien.Net)

Cũng có ý kiến lo ngại rằng thậm chí cả hệ thống đê điều cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng. Chúng ta phải đối mặt với nguy cơ nước biển dâng, nếu cả đồng bằng Bắc Bộ lún xuống, nước biển xâm nhập vào thì đó sẽ là mối thảm họa lớn.

Về phương pháp để lại những rẻo than làm cột trụ để chống sụt lún được đưa ra trong Đề án của TKV, PGS – TS. Hoè cho rằng cũng phải xem xét thật kỹ, vì than ở đây là than nâu – một loại trầm tích mới ở giai đoạn đầu của quá trình hình thành đá, có sức chịu tải kém. Ngay cả việc sẽ khoan 4.100 lỗ thăm dò – tức gấp đôi tổng số mũi khoan mà ngành than đã khoan trong nhiều năm qua, thì liệu chúng ta có quản trị được những “cửa sổ” thủy văn đó không, hay để mọi thứ ô nhiễm trên mặt ngấm xuống dưới, làm hỏng tầng nước ngầm?

Đe doạ an ninh về nước

Theo các tài liệu về địa chất , thì tầng chứa nước của ĐBSH nằm ở độ sâu cách mặt đất khoảng 150 – 200m. Còn than ở ĐBSH lại nằm hoàn toàn ở tầng Neogen ở độ sâu từ 150 – 2.000m. Như vậy, có thể nói tầng Neogen như là “vách ngăn” có vai trò giữ ổn định tầng nước ngầm ở phía trên. Khi khai thác than, “túi” nước ngầm có nguy cơ bị phá vỡ. Tầng chứa nước sẽ không giữ được nước nữa.

Vì vậy, đảm bảo sự an toàn cho tầng nước ngầm cũng được các chuyên gia rất quan tâm. Trong khi cả thế giới đang lo ngại trước tình trạng sa mạc hóa tự nhiên các vùng đất trồng trọt thì chúng ta lại có nguy cơ phá vỡ một vùng châu thổ màu mỡ vô cùng quan trọng vì rút đi nguồn nước của nó. Nước ngầm cũng là nguồn nước sinh hoạt của phần đông các hộ gia đình vùng đồng bằng.

Mặt khác, tầng nước ngọt bị suy giảm cũng có nghĩa nguồn nước mặn dễ dàng xâm nhập hơn. ĐBSH trở thành vùng đất nhiễm chua mặn có thể là một viễn cảnh cần phải tính đến.

Theo Đề án, TKV mới thử nghiệm công nghệ xử lý 6.000 m3/h, và cho rằng lượng nước chảy vào mỏ (nêu khai thác) là 6.000 m3/h. Trong khi tính toán của các nhà khoa học đã được công bố nhiều năm nay, lượng nước chảy vào công trình khai thác mỏ (nếu khai thác) sẽ từ 16.000 – 20.000 m3/h. Hiện nay, về mặt khoa học, chúng ta chỉ có thể bơm tháo khô được lượng nước 6.000 – 10.000 m3/h. Với lượng nước trên 10.000 m3/h, khoa học vẫn đang bó tay, chưa có cách gì xử lý được. Nếu không tháo khô được mỏ, làm sao chúng ta khai thác? Đó là vấn đề hết sức nan giải – TS. Quý băn khoăn.

An ninh lương thực

TKV giải trình rằng trong giai đoạn thử nghiệm công nghệ, họ sẽ chỉ đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang công nghiệp khoảng 600ha, thuộc hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Tới sau năm 2025, khi đồng loạt phát triển các dự án khai thác than, diện tích chiếm đất mới lên tới con số 3.900 ha.

Với 3.900ha diện tích đất nông nghiệp mất đi của ba tỉnh (Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên), Việt Nam hàng năm cũng sẽ mất đi khoảng 50.000 tấn lúa. Đặt trong bối cảnh thực tế hiện nay, tuy Thái Bình, Nam Định có thể dư thừa lương thực nhưng cả miền Bắc cũng mới chỉ sản xuất đủ lương thực.

Trong vài thập kỷ tới, nếu dân số tiếp tục tăng, đất đai tiếp tục thu hẹp, liệu tính an ninh về lương thực có được đảm bảo? Và liệu con số thực tế có khiêm tốn như vậy không? Liệu việc đầu tư có đi ngược lại quan điểm của Bộ Chính trị trong đề án an ninh lương thực quốc gia, nêu rõ đến năm 2020 phải giữ được 3,8 triệu ha đất, trong đó, diện tích đất chuyên lúa nước là 3,2 triệu ha.

Bên cạnh đó là vô vàn yếu tố chưa được tính đến, chẳng hạn như viêc khai thác ngầm dưới lòng đất chắc chắn sẽ làm nóng tầng đất canh tác, ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật cũng như sự tăng trưởng của cây trồng…

Tựu chung, đa số ý kiến của các nhà khoa học góp ý cho Đề án đều cho rằng việc khai thác cần tuyệt đối tránh sự vội vàng, trước hết phải có những dự án thử nghiệm ở quy mô nhỏ để lựa chọn công nghệ phù hợp, đồng thời đánh giá được đầy đủ các tác động. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, trong  phần phản biện của mình, cũng đã chỉ rõ một nội dung rất quan trọng cần phải được bổ sung vào đề án – bản báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược.

Nếu Đề án được thông qua, TKV dự kiến cuối năm 2010 sẽ tiến hành khai thác bể than ĐBSH, hàng năm đóng góp cho nền kinh tế: 8 -13 triệu tấn than/năm và 11tỷ m3 khí/năm hoặc 1,745 triệu thùng diesel/năm, góp phần giảm lượng than nhập khẩu trong thời gian tới cho phát điện (theo tính toán của TKV đến năm 2013, than cho sản xuất điện thiếu khoảng 9,2 triệu tấn/năm).

Các vỉa than ở bể than ĐBSH chủ yếu nằm ở độ sâu từ 600m đến 1.800m dưới lòng đất. Vì vậy, TKV sẽ áp dụng công nghệ khai thác than hầm lò truyền thống và công nghệ khí hóa than ngầm (UCG) hiện đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng khai thác các khoáng sàng than trong các điều kiện tương tự bể than đồng bằng sông Hồng.

Theo ước tính của TKV, tổng mức đầu tư cho các dự án lên tới 76.360 tỷ đồng. Trong đó, riêng chi phí khảo sát bể than này đã ngốn hết 6.500 tỷ đồng.


* Đề án phát triển Bể than đồng bằng sông Hồng được chủ đầu tư đề nghị đổi tên thành Đề án Thăm dò, thử nghiệm khai thác than ở Hưng Yên – Thái Bình.