ThienNhien.Net – "Bộ chỉ số đa dạng sinh học (ĐDSH) hiện nay được các nhà khoa học sử dụng là chưa hoàn thiện và chưa được triển khai triệt để. Để có thể đánh giá đầy đủ hơn nữa tác động của các động thái và chính sách của các chính phủ đối với sinh vật và hệ sinh thái, bộ chỉ số đa dạng sin học (ĐDSH) cần được đầu tư hơn nữa." Đó là quan điểm của bài viết đăng trên số tháng 9 của Tạp chí Science do một nhóm các nhà chuyên gia cùng các tổ chức bảo tồn quốc tế hàng đầu thế giới thực hiện.
Năm 2002, các nhà lãnh đạo toàn cầu đã thông qua mục tiêu giảm đáng kể tỷ lệ mất ĐDSH đến năm 2010. Vào thời điểm này của năm sau, trong cuộc họp thứ 10 của Hội nghị các bên về Công ước Đa dạng sinh học (CBD) tại Nagoya (Nhật Bản), cộng đồng quốc tế sẽ cùng nhìn nhận kết quả của quá trình thực hiện mục tiêu này.
Kết quả này được đánh giá dựa trên bộ 22 chỉ số ĐDSH đã được thiết lập bởi hơn 40 tổ chức quốc tế thành viên của nhóm Đối tác Chỉ số Đa dạng Sinh học.
Trong bài viết “Theo dõi những bước tiến trong mục tiêu ĐDSH năm 2010 và xa hơn”, nhóm tác giả đã đánh giá rằng bộ chỉ số ĐDSH hiện nay chưa được triển khai một cách toàn diện. Năm trong số các chỉ số chính vẫn chưa được triển khai, và chỉ một số ít dữ liệu được sử dụng trong 17 chỉ số còn lại được thực hiện tốt trên toàn cầu.
Theo tiến sĩ Matt Walpole, chủ nhiệm Chương trình Đánh giá Hệ Sinh thái tại Trung tâm Giám sát Bảo tồn thế giới của UNEP, đồng thời là tác giả chính của bài báo, thì một bộ chỉ số hoàn thiện có vai trò rất quan trọng trong việc buộc các chính trị gia có trách nhiệm hơn về hành động của mình và là cẩm nang giúp ngăn chặn tình trạng mất ĐDSH đang diễn ra nhanh chóng. Bởi vì mặc dù ngày nay loài người đã hiểu rõ hơn bao giờ hết về sự mất ĐDSH và tác động của nó lên con người, song thực tế vẫn còn những khoảng trống lớn trong việc bảo vệ ĐDSH.
Bên cạnh việc nêu ra những hạn chế trong triển khai các chỉ số, bài viết cũng đặt câu hỏi về tính toàn diện và hiệu quả của bộ chỉ số hiện tại. Chẳng hạn, theo đánh giá, bộ chỉ số hiện nay không đề cập bất kỳ biện pháp nào để đánh giá tác động của biến đổi khí hậu tới ĐDSH, và ít nói về những lợi ích, hàng hoá và dịch vụ mà loài người có được từ ĐDSH và hệ sinh thái.
“Các chỉ số đa dạng sinh học về chim đã đóng góp lớn trong việc đánh giá mục tiêu 2010, và sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc giám sát những tiến triển đạt được trong bảo tồn đa dạng sinh học trong những năm tới” – Ali Stattersfield, BirdLife. |
Trong khi đó, việc giám sát đa dạng sinh học và các chỉ số sẽ chỉ thành công nếu chúng đáp ứng đúng vấn đề mà những người ra quyết định trăn trở, theo Robert Höft, chuyên gia thuộc Ban thư ký CBD.
Hội nghị CBD năm tới sẽ xem xét các quyết định về mục tiêu ĐDSH cho tương lai sau 2010 và việc cải tiến bộ chỉ số ĐDSH trong tương lai.
Bộ chỉ số mới cũng là một chủ đề nóng trong lĩnh vực đa dạng sinh học. Bảy mươi chuyên gia từ các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và các trường đại học đã có cuộc gặp tại Reading (Anh) vào tháng bảy vừa qua và lập ra một danh sách các chỉ số đề xuất cho Hội thảo Nagoya.
Một bộ chỉ số đa dạng sinh học hoàn diện sẽ giúp cộng đồng quốc tế có cái nhìn lạc quan hơn về tương lai của đa dạng sinh học, yếu tố thiết yếu của sự phát triển bền vững.