ThienNhien.Net – Trong một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Kinh tế Sinh thái số 31/2009, PGS.TS. Nguyễn Hữu Quang đã chỉ ra rằng, cây đa tác dụng là lựa chọn số một cho kế hoạch trồng rừng phòng hộ, trồng rừng trên đất dốc nhằm chống xói mòn, hạn hán và giúp bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện đời sống nhân dân. Bởi không chỉ có chức năng phòng hộ và bảo vệ môi trường, loại cây này còn có thể cung cấp gỗ, lương thực thực phẩm, dược liệu và cả nguyên liệu cho ngành công nghiệp.
Loại cây này thường được trồng theo những phương thức nông lâm kết hợp khác nhau, tùy thuộc vào thuộc tính của cây và địa điểm trồng. Cụ thể:
1. Kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi: Trồng cây lấy gỗ và trồng cỏ để chăn nuôi gia súc và động vật rừng như: hươu, nai, hoẵng, lợn rừng, nhím, tê tê, thỏ, gà rừng…
2. Kết hợp giữa trồng cây để lấy gỗ lớn và cây cho lương thực (chất bột); cây cho quả để bảo vệ môi trường và cây hàng năm cho các sản phẩm như Điều, cây Macca, cây Dẻ để làm gia vị; các cây ăn quả như Xoài, Mận, Cam, Quýt, Vải, Nhãn, Trám… cho hoa để nuôi ong.
3. Kết hợp trên từng diện tích: gồm cây cao lấy gỗ xen lẫn cây cho củ (Mỡ, Gừng, Nghệ); cây dược liệu dưới tán như Thảo quả, Sâm và lâm sản ngoài gỗ như song mây; cây tinh dầu cuối đời lấy gỗ như Thông, Cao su, Trám… ; cây lấy gỗ để phòng hộ ven biển như Phi lao; cây Tràm cho tinh dầu; cây Đước, Sú, Vẹt, Hương lau, Chà; cây cho năng lượng sinh học và làm phân bón như Cọc rào.
Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả các loại cây trồng nông lâm nêu trên, cần chú ý đến khâu chọn giống cây, ưu tiên những loại cây có khả năng trồng tập trung, dễ thu hái và có thể chế biến theo quy mô công nghiệp.