Ếch gai hàm Ngọc Linh – Một loài đặc hữu của Việt Nam

ThienNhien.Net – Mới đây, loài Ếch gai hàm ngọc linh có tên khoa học là <i>Leptobrachium ngoclinhense</i> (Orlov, 2005) được phát hiện ở vùng núi Ngọc Linh, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum, vừa được xem xét là một loài đặc hữu của Việt Nam. Loài này được Nikolai Orlov – một nhà khoa học Nga, công bố trên Tạp chí Bò sát và Ếch nhái Nga, số 12, tập 1, năm 2005 với tên khoa học đầu tiên là <i>Vibrissaphora ngoclinhensis</i>. Tuy nhiên, các nghiên cứu về quan hệ di truyền sau đó như của Rao & Wilkinson (2008) và của Zheng, Li & Fu (2008) đã thống nhất chuyển các loài thuộc giống <i>Vibrissaphora</i> sang giống <i>Leptobrachium</i>.


Theo mô tả gốc của Orlov (2005), loài ếch này có kích cỡ khá lớn: chiều dài mút mõm-hậu môn của con đực có khoảng 77 mm, của con cái khoảng 70 mm; chân ngắn; màng nhĩ không rõ; da nháp; lưng màu nâu sẫm với những đốm đen rải rác, bụng màu xám nhạt; đặc biệt là phần môi trên, vùng gian ổ mắt của con đực có khoảng 66 gai sừng nhỏ.

Loài ếch này rất hiếm gặp, ngoài 2 mẫu chuẩn thu được năm 2004, hiện mới chỉ ghi nhận một vài mẫu ở vùng núi cao Ngọc Linh (độ cao 1700-2000m so với mực nước biển) trong đợt khảo sát của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật phối hợp với Viện Động vật Xanh Pê-téc-bua (Nga) năm 2006.

Việc xem xét, đánh giá loài ếch nhái đặc hữu này của Việt Nam theo các tiêu chí xếp hạng trong Sách Đỏ của Việt Nam và Danh lục Đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) sẽ được tiến hành trong thời gian tới. Đây cũng là loài ếch gai hàm thứ 3 được ghi nhận ở Việt Nam bên cạnh loài Ếch gai hàm Sa Pa – Leptobrachium echinatum và loài Ếch gai hàm Vân Nam – Leptobrachium promustache.