Chất thải hạt nhân sẽ về đâu?

ThienNhien.Net – 60 000 tấn chất thải từ các nhà máy điện hạt nhân đã ngừng hoạt động ở Mỹ tồn đọng suốt thập kỷ qua vẫn nằm dài chờ được xử lý. Sự trì hoãn trong việc giải quyết vấn đề này đang làm dấy lên những ý kiến quan ngại và nghi ngờ về sự phát triển của năng lượng điện hạt nhân ở Mỹ, cũng như các quốc gia khác trên toàn thế giới.


Nhà máy điện hạt nhân Maine Yankee hoạt động từ năm 1972 đến năm 1996 đã bị cho nổ tung vào năm 2004. Cả tòa nhà bê tông đồ sộ, bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng, phòng chứa tua bin 6 tầng, tất cả đều đã bị phá hủy. Giờ đây nơi này chỉ còn lại một bãi cỏ chứa chất thải phóng xạ là những tàn tích còn lại của các bình phản ứng hạt nhân và 1 435 bộ phận nhiên liệu đã hoạt động trên ¾ thế kỷ.

Trong khi chờ đợi được xử lý, số chất thải này được niêm phong và xếp trong 64 căn hầm xi măng cao hai tầng với những hàng rào dây thép gai bao quanh. Mỗi năm chi phí bảo vệ, bảo hiểm, bảo dưỡng… lên tới 8 triệu USD.

Wiscasset, ngôi làng nhỏ xinh đẹp ở Maine là một trong tám thị trấn của Mỹ đang mắc kẹt với thứ chất thải “cao cấp” này sau khi các nhà máy điện hạt nhân ngừng hoạt động. Thập kỷ tới rồi sẽ có thêm những ngôi làng khác chịu chung số phận vì ngày càng có nhiều nhà máy sản xuất điện hạt nhân sắp đến giai đoạn thải hồi.

Những ông chủ của nhà máy Maine Yankee hiện đang lo lắng rằng những phế thải hạt nhân này có thể vẫn còn ở lại đó hàng thập kỷ nữa vì quyết định của chính quyền liên bang về việc hủy bỏ xây dựng khu chứa chất thải đang gây tranh cãi ở núi Yucca thuộc bang Nevada.

50 năm sau khi nhà máy năng lượng hạt nhân dân sự đầu tiên đi vào hoạt động, chính quyền Mỹ vẫn chưa quyết định được cách thức xử lý số nhiên liệu đã qua sử dụng. Điều này làm dấy lên những nghi ngại về đề xuất xây dựng thêm các nhà máy nhằm giảm phát thải khí nhà kính và đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai.

Theo đúng luật định, lẽ ra chính quyền liên bang đã phải xây dựng một kho chứa và bắt đầu quản lý chất thải của 104 nhà máy hạt nhân trên toàn quốc vào năm 1998. Tuy nhiên những rắc rối cả về chính trị lẫn kỹ thuật đã khiến cho công việc xây dựng kho chứa ở núi Yucca bị trì hoãn. Đây là nguyên nhân dẫn tới tình trạng chất thải hạt nhân chất đống lại, lấp đầy các bể chứa ở các nhà máy điện khắp quốc gia và buộc một số nhà máy phải xây dựng các khu chứa đặc biệt.

Theo Viện Năng lượng Hạt nhân Mỹ (DOE), hiện nay có khoảng 60 000 tấn nhiêu liệu qua sử dụng đang đợi được tiêu hủy, trong khi hàng năm các nhà máy năng lượng quốc gia vẫn thải ra thêm thêm khoảng 2 000 tấn phế liệu nữa. Thậm chí nếu công việc xây dựng kho chứa chất thải ở núi Yucca vẫn tiếp tục thì tới đầu những năm 2020, khi công trình dự kiến hoàn thành, rác thải hạt nhân của quốc gia chắc chắn sẽ vượt quá khả năng tiếp nhận 70 000 tấn của kho chứa này.

Chủ nhân của những nhà máy điện hạt nhân đã đóng cửa mong muốn chính quyền liên bang xây dựng một bãi chứa tạm thời để họ có thể chuyển giao lại số chất thải đang đọng lại, bán tài sản và chính thức giải thể công ty. Theo họ, dù đó không phải phương án tối ưu nhưng ít nhất khi đó chất thải cũng được lực lượng an ninh và nhân viên kỹ thuật giám sát giúp giảm thiểu những ảnh hưởng phóng xạ có thể gây ra, đồng thời tránh lãng phí cho việc quản lý như hiện nay.

Những ý kiến lo ngại khủng bố cũng ủng hộ phương án này. Tuy nhiên bãi chôn lấp tạm thời tập trung lại gặp phải những lời chỉ trích vì nó làm mất tới hai lần vận chuyển trước khi đến được bãi chôn lấp cuối cùng, đồng nghĩa với những rủi ro có thể phát sinh.

Khi được hỏi về triển vọng của một kho tập kết chất thải hạt nhân tạm thời, phát ngôn viên của DOE, Stephanie Mueller, cho biết hiện chính quyền không tập trung vào việc triển khai xây dựng những địa điểm xử lý nhất định mà vào việc phát triển các giải pháp dài hạn, thận trọng cho vấn đề chôn lấp chất thải hạt nhân.

Trái với quan điểm của giám đốc quản lý phế liệu của tập đoàn công nghiệp ở Maine Yankee rằng tình trạng thiếu rõ ràng trong xử lý rác thải hạt nhân không ảnh hưởng đến nỗ lực mở rộng sản xuất năng lượng hạt nhân, ông Hudson, chủ tịch Quỹ Giáo dục Môi trường Chewonki, lại cho rằng sự bế tắc trong xử lý rác thải hạt nhân thực sự tác động đến hướng phát triển năng lượng điện hạt nhân của nước Mỹ.