Bão số 10 đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc

ThienNhien.Net – Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, bão số 10 với tên gọi Parma sẽ đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc nước ta, từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa trong chiều nay (14/10). Trước đó, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương đã có công điện khẩn gửi các tỉnh từ Quảng Ninh đên Thanh Hóa, để nhanh chóng thực hiện các biện pháp đối phó với bão số 10.


Sáng nay 14/10, vị trí tâm bão số 10 cách bờ biển các tỉnh Quảng Ninh – Thanh Hoá khoảng 60 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão số 10 di chuyển chậm theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Đến tối 14/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên vùng biển các tỉnh Quảng Ninh-Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 8-9.

Trong khoảng 12 – 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 5km và suy yếu thành vùng áp thấp. Đến sáng 15/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở trên khu vực ven biển các tỉnh Thái Bình-Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6.

Do ảnh hưởng của bão kết hợp với hoạt động của không khí lạnh, khu vực vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9-10. Biển động mạnh. Ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9-10.

Các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá cần đề phòng nước biển dâng cao kết hợp với thuỷ triều cao từ 2 – 4 mét. Phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa; riêng các tỉnh ven biển có mưa vừa, có nơi mưa to.

Với tinh thần cảnh giác cao trước diễn biến phức tạp của bão số 10, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh đã có công điện chỉ đạo các địa phương, ban ngành và các đơn vị trên toàn tỉnh, triển khai thực hiện các biện pháp đối phó với bão lũ.

Các địa phương đều đã phát lệnh cấm tàu thuyền ra khơi hoạt động, phối hợp với lực lượng biên phòng, ngành thuỷ sản tổ chức kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn, hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền neo đậu, phân công lãnh đạo đi các địa bàn chỉ đạo các biện pháp đối phó bão. Đến chiều ngày 13/10 đã có 3.941 tàu thuyền, trong đó có 47 tàu thuyền đánh bắt ven bờ đã về bến và 575 lồng bè đã về nơi neo đậu an toàn.

Các tỉnh từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh đã tổ chức sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi an toàn với hơn 7.900 hộ gồm gần 30.000 người, trong đó Thái Bình phải cưỡng chế 123 người ở các lều nuôi ngao, đầm nuôi trồng thuỷ sản vào trong đê chính.

Tính đến sáng 14/10, Bộ đội Biên phòng tuyến biển từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên-Huế triển khai các biện pháp cấp bách để đối phó với bão khi đổ bộ vào bờ, hướng dẫn sắp xếp neo đậu cho gần 27.500 tầu, lồng bè/90.000 lao động vào nơi trú ẩn an toàn.

Tiếp tục duy trì 2.900 chiến sĩ và 198 phương tiện sẵn sàng tham gia cùng chính quyền địa phương ứng cứu. Huy động 1 tàu tham gia tìm kiếm cứu nạn, giúp di dời 1.038 hộ dân vào nơi an toàn.

Theo Ban chỉ huy Phòng chồng lụt bão Trung ương, nhìn chung, bão số 10 chưa gây mưa lớn, dự báo mực nước sông Hồng tại Hà Nội có dao động ở mức thấp, đến sáng 15/10 có khả năng ở mức 2,5m. Do ảnh hưởng mưa của bão số 10, cần đề phòng lũ quét trên các sông suối nhỏ và sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi phía Bắc.

Trong đợt lũ này, mực nước sông Bưởi và thượng nguồn các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có khả năng lên mức báo động 2, hạ lưu các sông khác lên mức báo động 1 và trên báo động 1. Do đó, cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt, ngập úng vùng đồng bằng.