ThienNhien.Net – Đập Gibe III ở Ê-ti-ô-pi-a, con đập cao nhất châu Phi với chiều cao 240m trên sông Omo đang là điểm nóng của nhiều cuộc tranh luận về ảnh hưởng của nó đối với môi trường và cuộc sống của cư dân địa phương. Đó cũng chính là nguyên do khiến Đơn vị Điều tra Độc lập thuộc Ngân hàng Phát triển châu Phi (CRMU) đã phải nhập cuộc.
Trước đó, dù chưa có phương án giải quyết các rủi ro phát sinh nhưng Ngân hàng Phát triển châu Phi vẫn xem xét khoản vốn đầu tư lên tới 250 triệu USD cho dự án này.
Điều đáng nói là dự án được tiến hành từ năm 2006 nhưng đến nay, Ngân hàng vẫn không có bất cứ nghiên cứu nào về các tác động của con đập và gần như bỏ qua việc thăm dò ý kiến người dân. Duy chỉ có một Bản đánh giá tác động về môi trường và xã hội của con đập, nhưng cũng rất chung chung, sơ sài, còn nhiều điểm thiếu sót và chưa thỏa đáng…
Nhiều tổ chức quốc tế cũng lên tiếng phản đối hành động xây đập Gibe III vì cho rằng có quá nhiều thiếu sót về mặt thủ tục trong quá trình nghiên cứu dự án, đặc biệt là về mặt địa chất và thủy học. Hệ quả của việc này có thể đẩy hàng trăm ngàn người dân sống xung quanh vào vòng nguy hiểm khi chất lượng cuộc sống suy giảm và sinh kế bị đe dọa.
Mặt khác, khi xây xong đập Gibe III, lũ trên sông Omo có thể được ngăn chặn phần nào nhưng việc trữ nước sẽ làm giảm mạnh mực nước ở hồ Turkana, khiến hệ sinh thái nơi đây bị phá vỡ và dân chúng sẽ rơi vào cảnh đói nghèo.
Hiện tại, con đập đang trong quá trình thi công trên sông Omo, đe dọa cuộc sống của hàng vạn người dân nghèo thuộc Ê-ti-ô-pi-a và Kenya. Đặc biệt, con đập còn ảnh hưởng tiêu cực đến hai di sản thế giới là Hồ Turkana và thung lũng thấp Omo.
Trước những quan ngại về con đập, SRMU đã 2 lần đệ đơn đề nghị điều tra về cáo buộc cho rằng Dự án đã vi phạm chính sách của Ngân hàng. Ngày 27/8, nhận được phúc đáp từ Ngân hàng Phát triển Châu Phi, CRMU đã chính thức bắt tay vào điều tra.
Những người dân Ê-ti-ô-pi-a sống quanh con đập cũng nhìn thấy những vi phạm nhưng không dám đưa ra ý kiến của mình vì sợ những hành động trả đũa.
Phát biểu về Dự án này, ông Caterina Amicucci, Ban Vận động Cải cách Ngân hàng Thế giới tại Rome, cho biết: “Chính phủ cần quan tâm hơn tới những điều mà người dân không thể lên tiếng. Hy vọng, cuộc điều tra sẽ phát hiện và khắc phục những vi phạm có liên quan đến Ngân hàng trong dự án này.”