ThienNhien.Net – Thông tin tuyên truyền, đào tạo huấn luyện và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người sản xuất là nhiệm vụ của công tác khuyến nông ở các địa phương với hàng nghìn mô hình sản xuất, hàng nghìn lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật được thực hiện mỗi năm. Tuy nhiên, đối với sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất hàng hóa, thị trường tiêu thụ luôn là một trong những vấn đề "nóng" đối với người sản xuất, trong khi đó công tác khuyến nông gắn kết sản xuất với thị trường tiêu thụ còn nhiều bất cập. Tuy nhiên, tại huyện Ea Kar (Đắk Lắk), khuyến nông đã thực hiện được vai trò là cầu nối giữa đội ngũ thương lái và nông dân, tạo nên mô hình liên kết gắn sản xuất với thị trường mang lại hiệu quả cao trong phát triển chăn nuôi bò – một trong những thế mạnh của các tỉnh Tây Nguyên hiện nay.
Liên kết thương lái – nông dân
Nuôi gà trong chuồng, trồng rau trong vườn, heo không thả rông, bò được nuôi vỗ béo… là những việc mà trước đây gia đình ông Ma Nhoen ở buôn Ea Gar, xã Ea KMút, huyện Ea Kar (Đắk Lắk) chưa từng làm. Chăn nuôi gia súc, gia cầm thả rông, tối về nhốt dưới gầm sàn nhà là tập quán của đồng bào trong buôn từ nhiều đời nay.
Đầu năm 2009, được sự hỗ trợ của Trạm khuyến nông huyện Ea Kar và CLB khuyến nông chăn nuôi bò thịt của xã Ea KMút, gia đình Ma Nhoen được đầu tư dựng một chuồng bò để nuôi 2 con bò, cấp giống mới trồng một vườn cỏ với tổng giá trị 15 triệu đồng. Hai con bò này được ông Nguyễn Đăng Cường – Chủ nhiệm CLB khuyến nông chăn nuôi bò thịt, đồng thời cũng là một tương lái chuyên thu mua bò thịt trong xã đầu tư cho gia đình Ma Nhoen. Đây là hình thức kết hợp giữa thương lái và nông dân đang được nhân rộng ở Ea Kar. Thương lái đầu tư mua con giống và kết hợp với cơ quan khuyến nông để hướng dẫn kĩ thuật chăn nuôi, chăm sóc đàn bò cho các hộ nông dân. Đến khi xuất bán bò, thương lái thu lại tiền giống, phần còn lại được chia theo tỷ lệ thỏa thuận giữa hai bên với mục tiêu thương lái chủ động được nguồn hàng, còn người nông dân được hưởng phần lãi xứng đáng từ công chăm sóc bò.
Gia đình Ma Nhoen là một trong 4 hộ đồng bào dân tộc được ông Hoàng Đăng Cường đầu tư giống bò trong đợt. Dự kiến sau 3 tháng nuôi vỗ béo, đàn bò này có thể cho xuất chuồng phục vụ nhu cầu tiêu thụ thịt bò trong đợt cuối năm.
Ông Nguyễn Đăng Cường – Chủ nhiệm CLB khuyến nông xã Ea KMút cho biết, tại xã có 12 thương lái chuyên thu mua bò thịt tham gia thì cả 12 hộ đều đầu tư cho các hộ nghèo chăn nuôi theo hình thức này, trong đó có những thương lái đầu tư cho khoảng 30 hộ chăn nuôi cùng một lúc với tổng số gần trăm con bò. Với hình thức đầu tư này, thương lái luôn chủ động được nguồn hàng để tuần nào cũng có bò thịt xuất bán cho các đầu mối, trong khi đó các hộ nông dân nghèo, không có điều kiện kinh tế để đầu tư thì có thể tham gia để hưởng lợi nhuận từ công chăm sóc bò. Một con bò “xấu” (chủ yếu là giống bò địa phương, chăn thả tự nhiên, tỷ lệ thịt thấp) được mua với giá từ 6-8 triệu đồng, sau khoảng 3 tháng nuôi vỗ béo bằng cách nuôi nhốt trong chuồng, cho ăn đầy đủ thức ăn thô, thức ăn tinh theo quy trình khuyến cáo của khuyến nông sẽ được xuất chuồng với giá khoảng 10 triệu đồng/con.
Khuyến nông gắn với thị trường
Ông Hoàng Công Nhiên – Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Ea Kar cho biết, hình thức phát triển chăn nuôi kết hợp giữa nông dân và thương lái bắt đầu ở Ea Kar từ năm 2005 nhưng phát triển mạnh nhất từ năm 2008. Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, chăn nuôi trâu bò là một trong những thế mạnh của huyện.
Tuy nhiên, cũng như nhiều loại nông sản hàng hóa khác, thị trường tiêu thụ cũng là khâu khó khăn trong phát triển chăn nuôi bò thịt. Đặc biệt, mua – bán bò lại có khó khăn đặc thù là mua bán theo hình thức “mua hình, bắt bóng”, người bán và người mua tự ước lượng và định giá con bò theo kinh nghiệm. Vì thế, người chăn nuôi thường bị thiệt do phụ thuộc vào thương lái.
Đứng trước khó khăn đó, khuyến nông đã làm cầu nối kéo thương lái cùng vào cuộc bằng cách tạo ra mối liên kết gắn với thị trường, chủ động cùng với đội ngũ thương lái trong huyện đi tìm hiểu nhu cầu của từng đầu mối tiêu thụ để có định hướng chăn nuôi. Cũng nhờ mối liên kết này, thị trường đã được phân tầng với từng loại nhu cầu.
Trước đây, người dân chăn nuôi bò tự nhiên, không quan tâm đến các vấn đề như giống, độ tuổi của bò, chất lượng thịt… Tuy nhiên, qua tìm hiểu nhu cầu thị trường, đội ngũ thương lái đã phân loại nhu cầu của từng thị trường, như thị trường TP Hồ Chí Minh thường yêu cầu loại bò thịt có độ tuổi không quá 30 tháng, chất lượng thịt mềm, tỷ lệ nạc cao; thị trường Đà Lạt, Nha Trang lại có nhu cầu dễ tính hơn… Từ nhu cầu đó, khuyến nông và thương lái cùng kết hợp định hướng và hướng dẫn kỹ thuật cho người nông dân chăn nuôi để có được những sản phẩm phù hợp với từng thị trường.
Chủ trương phát triển chăn nuôi bò bắt đầu từ dự án Đa dạng hóa nông nghiệp được thực hiện tại địa phương từ năm 2002 với sự hỗ trợ 2 mô hình nuôi vỗ béo bò. Từ hai mô hình này, đến nay huyện đã có 3 xã chuyên nghề nuôi vỗ béo bò là Eakar Mut, Ea Đar và Ea Pan với khoảng 1.000 hộ chuyên nuôi vỗ béo bò. Ngoài ra còn có hàng trăm hộ của các xã khác trong huyện cũng thực hiện mô hình này. Đây là mô hình giảm nghèo, làm giàu của nhiều hộ nông dân ở Eakar hiện nay. Đến nay, toàn huyện có khoảng 28.000-30.000 con bò, trong đó tỷ lệ bò lai đạt trên 65% tổng đàn, mang lại nguồn thu nhập lớn cho bà con trong vùng. Hiện trạm khuyến nông huyện đang mở rộng mô hình hướng dẫn nông dân chăn nuôi theo hình thức thâm canh, hạn chế chăn thả tự do, đồng thời đẩy mạnh hình thức liên kết thương lái đầu tư cho hộ nghèo phát triển chăn nuôi gắn với thị trường tiêu thụ.
Cũng theo ông Hoàng Công Nhiên, bên cạnh vai trò định hướng sản xuất, hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật, công tác khuyến nông gắn với thị trường tiêu thụ là một trong những định hướng của họat động khuyến nông, đặc biệt đối với khu vực sản xuất hàng hóa như ở các tỉnh Tây Nguyên hiện nay. Vì vậy, mô hình này đã và đang được nhân rộng ở Ea Kar nói riêng cũng như nhiều địa phương khác trong khu cực Tây Nguyên.