ThienNhien.Net – Là thủ đô 1000 năm tuổi có lịch sử lâu đời, truyền thống văn hóa đa dạng và giàu bản sắc, Hà Nội thực sự là một trung tâm du lịch lớn của Việt Nam. Sắp tới đây, liên tiếp các chương trình lớn như: Năm Du lịch quốc gia 2010, Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội cùng với nhiều chương trình phát triển kinh tế – xã hội Thủ đô…, sẽ tạo điều kiện cho ngành Du lịch Hà Nội cất cánh.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội – ông Trương Minh Tiến cho rằng có nhiều lý do để ngành Du lịch Hà Nội đặt ra kỳ vọng như vậy. Ngay sau khi được Chính phủ đồng ý tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2010 với tinh thần lồng ghép vào các sự kiện của Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, ngành Du lịch đã sớm tham mưu cho lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng lãnh đạo thành phố xây dựng một số định hướng phát triển du lịch như nâng cấp sản phẩm du lịch thế mạnh của Thủ đô, tăng cường xúc tiến quảng bá hình ảnh của Hà Nội tới du khách và bạn bè quốc tế…
Thế mạnh phát triển du lịch của Thủ đô
Lịch sử ngàn năm Thăng Long – Hà Nội đã để lại cho Thủ đô nhiều di sản văn hoá quý giá. Ông Tiến cho biết, hiện nay, Hà Nội có tới 3.100 di tích lịch sử – văn hoá, đứng đầu cả nước. Hà Nội có 1.300 làng nghề, với nhiều làng nghề thủ công truyền thống, và các phố nghề truyền thống nổi tiếng, tập trung ở khu vực phố cổ của Hà Nội.
Hà Nội cũng có thế mạnh về du lịch MICE – hội nghị, hội thảo. Qua một số các hội nghị quốc tế mà Việt Nam đăng cai tổ chức thành công như APEC 14, ASEM 5 tại Hà Nội,… có thể khẳng định đây là thế mạnh của Du lịch Thủ đô. Ngoài ra, cũng phải kể đến loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí ở các khu vực ngoại thành Hà Nội đang được đầu tư phát triển.
Cơ hội cải thiện hạ tầng và môi trường du lịch
Hà Nội hiện có hệ thống khách sạn khá cao cấp (9 khách sạn 5 sao, 9 khách sạn 4 sao, 23 khách sạn 3 sao, nhiều khách sạn 2 sao và các cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn tối thiểu). Tuy nhiên, với lượng khách được dự báo là sẽ tăng đột biến trong năm 2010 thì Hà Nội sẽ phải tính toán đến nhu cầu phòng nghỉ cho khách lưu trú. Theo đó, trong số những công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, có nhiều khách sạn cao cấp (trong số 23 dự án đã đăng ký) sẽ được hoàn thành vào năm 2010.
Ngành Du lịch Hà Nội cũng đang triển khai thí điểm mô hình home stay (khách đến ăn nghỉ tại nhà dân) và đang thực hiện tại làng cổ Đường Lâm. Sắp tới, mô hình này sẽ được phát triển tại khu vực phố cổ. Trong năm 2010, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức thực hiện phong trào “Người Hà Nội đón bạn đến thăm nhà”.
Để giải quyết sức ép về giao thông nội đô, ông Tiến cho rằng trong thời gian tới cần mở rộng thêm các tuyến phố đi bộ, thí điểm xe ô tô chạy bằng điện ắc quy…, cải thiện môi trường du lịch, tạo dựng hình ảnh Hà Nội hấp dẫn hơn đối với du khách khi đến Hà Nội, đặc biệt trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Quảng bá hình ảnh Hà Nội
Thời gian tới, ngành Du lịch Hà Nôi sẽ xây dựng chương trình xúc tiến du lịch cụ thể cho thị trường trong nước và nước ngoài với quyết tâm giữ được 10 thị trường khách trọng điểm (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, ASEAN, châu Âu…). Bên cạnh đó, thành phố phải đặt các kế hoạch quảng bá hình ảnh du lịch Thủ đô.
Về cơ chế thực hiện, theo ông Tiến, ngành Du lịch Thủ đô mong muốn có những cơ chế chính sách ưu đãi về thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực cũng như chính sách về phát triển du lịch riêng ngay tại Thủ đô để giải quyết khó khăn cho các công ty du lịch. Điều đó sẽ góp phần quan trọng cho ngành khai thác tối đa những cơ hội lớn trong năm 2010 để phát triển Du lịch.