Rừng “tố khổ”

ThienNhien.Net – Những ngày sau cơn bão số 9 vừa qua, hiện tượng gỗ bị dòng lũ cuốn trôi, tích tụ thành bãi lớn trên sông Vu Gia (Quảng Nam) và một số sông thuộc tỉnh Kon Tum, trong đó có những thân cây đã được cắt xẻ thành khúc… đã thu hút sự quan tâm của dư luận cả nước. Nhiều dấu hỏi về nguồn gốc, tính hợp pháp của những thước gỗ xẻ này đã được đặt ra, không ít ý kiến hoài nghi cho rằng một phần số gỗ xẻ đó là do khai thác trái phép, chứ không phải là gỗ được các cơ quan chức năng khai thác khi thực hiện một số dự án nơi các cánh rừng đầu nguồn, như nhận định ban đầu của một số cán bộ chức trách địa phương. Phải chăng tình trạng cây rừng bi “xẻ thịt” lấy gỗ đã diễn ra từ lâu ở những cánh rừng thượng nguồn nơi đây?I Và nay, theo dòng lũ vô tình, rừng xanh vạn bất đắc dĩ “tố” lên nối đau thương bị rút ruột bao tháng năm qua…


Khi những cơn gió của cơn bão số 9 còn chưa thôi giật, cả một vùng rộng lớn sông Vu Gia đã ken đặc gỗ rừng. Hàng trăm người dân, những người hám lợi, những người trực tiếp chịu ảnh hưởng của cơn bão, đã tụ tập về đây “vớt” gỗ với mong mỏi phần nào bù đắp thiệt hại do cơn bão gây ra. Bãi gỗ khổng lồ này ngổn ngang đủ loại: to có, nhỏ có, kể cả những loại gỗ quý hiếm.

Trao đổi với báo chí, ông Phan Thạch, cán bộ kiểm lâm huyện Đại Lộc (Quảng Nam) cho rằng số gỗ trên là do cây rừng bị bật gốc trên thượng nguồn và bị cơn lũ quá lớn cuốn trôi chứ không phải là cây rừng do lâm tặc phá, chưa vận chuyển kịp trôi về và ùn tắc tại đây. (Tranh nhau vớt gỗ trôi lũ – Pháp luật TP. HCM online ngày 6/10/2009).

Tuy nhiên, với thực tế tại “lâm trường trên mặt sông” này, bên cạnh những thân cây bị bật gốc, rất nhiều những thân gỗ còn in hằn vết cưa máy, được cắt xẻ hẳn hoi, thì ý kiến giải thích về nguồn gốc số gỗ trên của vị cán bộ kiểm lâm huyện Đại Lộc là chưa thật sự thuyết phục.

Hẳn dư luận cả nước vẫn còn ghi nhớ thông tin về những vụ phá rừng quy mô lớn, phá hủy hàng ngàn ha rừng, liên liếp bị phát hiện và đưa ra trước ánh sáng công luận như vụ phá rừng lấy gỗ ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh; vụ phá rừng Khe Diên… với hàng chục bị cáo nguyên là cán bộ nhiều ngành chức năng địa phương. Điều đó cho thấy nạn phá rừng là rất nhức nhối tại tỉnh nghèo miền Trung này.

Trong khi đó, tại Tây nguyên, kho vàng xanh của đất nước, mưa lũ cũng cuốn trôi rất nhiều gỗ về hạ nguồn một số con sông ở tỉnh Kon Tum như: Khu vực cầu Diên Bình (xã Diên Bình, huyện Đăk Tô), Khu vực cầu Tri Lễ… Những bãi gỗ trôi về đây ước chừng hàng ngàn mét khối. Rất nhiều thân gỗ lớn đã được cưa sẵn thành những khối hình chữ nhật từ lâu, có cây chỉ được cưa ngọn và gốc, dấu cưa đã cũ nằm chìm dưới bùn.

Theo ý kiến của lãnh đạo các huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông thì khả năng số gỗ xẻ sẵn này bị khai thác trái phép dường như không có. Ông Trịnh Xuân Lộc, phó chủ tịch huyện Đăk Glei, cho biết số gỗ đã được xẻ sẵn này chủ yếu xuất phát từ khu vực thượng nguồn các xã dọc biên giới như Đăk Blô, Đăk Nhoong, Đăk Long… do lực lượng chức năng xẻ trong quá trình giải phóng khu vực hành lang biên giới chưa kịp vận chuyển về khu vực tập kết; còn theo ông Lâm Quang Vân, phó bí thư thường trực Huyện ủy Tu Mơ Rông, toàn bộ các cánh rừng trên địa bàn huyện đều được chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ nên không có hiện tượng phá rừng (Lũ qua ra gỗ lậu – tuoitreonline ngày 6/10/2009).

Thiết nghĩ, khi cơ quan chức năng còn chưa dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật về hiện trạng rừng ở địa phương mình có dấu hiệu bị xâm hại, thì rừng xanh nơi đây phải tự mình “lên tiếng tố khổ” để đòi lại sự công bằng. Và số gỗ xẻ theo lũ trôi từ thượng nguồn về hạ lưu các dòng sông tỉnh Quảng Nam và Kon Tum là những bằng chức xác thực nhất về hiện tượng “chảy máu rừng”.