ThienNhien.Net – Thực tế đã chỉ ra rằng, nếu chỉ đơn thuần dựa vào công nghệ thì khó có thể thúc đẩy được ngành nông nghiệp phát triển, bởi hầu hết những thay đổi trong kỹ thuật nông nghiệp đều khá chậm và rời rạc.
Một số ý kiến cho rằng, để thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, cần phải thay đổi lại cách làm việc và củng cố mối liên kết của tất cả các nhân tố liên quan đến nông nghiệp, chứ không chỉ dựa vào công nghệ. Trong đó, cần phải nhận định được rằng, việc phát triển nông nghiệp không chỉ là vấn đề riêng của người nông dân mà còn phải huy động sự hợp lực của các nhà cầm quyền, nhà kinh doanh, nhà nghiên cứu khoa học và các tổ chức xã hội.
“Giải pháp” mang tính chất lý thuyết này vừa được áp dụng thí điểm tại Ấn Độ và Nigeria, mục đích nhằm giải quyết bài toán về khan hiếm thức ăn chăn nuôi. Dù còn đang trong giai đoạn đầu nhưng “giải pháp” đã phát huy hiệu quả nhất định. Một số ví dụ dưới đây sẽ minh chứng cho điều này:
Tại Ấn Độ, Tổ chức An toàn Sinh thái (The Foundation for Ecological Security – FES) đã cộng tác với đại diện của các dịch vụ thú y và các trại chăn nuôi bò sữa để giải quyết các vấn đề về thức ăn chăn nuôi bò sữa.
Còn tại Kano, Nigeria, Dự án cải tiến thức ăn (The Fodder Innovation Project – FIP) đã lập ra các hợp tác xã và tổ chức tín dụng để người dân có thể vay vốn ưu đãi đầu tư sản xuất giống và thức ăn chăn nuôi.
Một đối tác của FIP còn thiết lập được những mạng lưới liên kết để có thể thông tin nhanh về tình hình dịch bệnh ở động vật và thực hiện tiêm chủng phòng chống bệnh dịch…
Có thể nói, trong tất cả những nhân tố nêu trên thì việc thay đổi chính sách của nhà cầm quyền có ảnh hưởng lớn hơn cả. Nó sẽ quyết định đến chiến lược và định hướng phát triển của ngành nông nghiệp… Ngoài ra, những nhân tố về nghiên cứu khoa học, chuyên môn cũng cần được khuyến khích nâng cao hơn, để ngành nông nghiệp có thể phát triển rộng và sâu.