Phủ xanh sa mạc, giảm nhiệt độ trái đất

ThienNhien.Net – Trong suốt thế kỷ qua, một số nhà khoa học vẫn mơ mộng tới kế hoạch xanh hoá sa mạc Sahara bằng những bãi biển hoặc những dải đất rộng có thể trồng trọt. Đến nay, một nhóm các nhà nghiên cứu Mỹ cho biết đã tìm ra cách biến giấc mơ phủ xanh sa mạc và làm chậm quá trình biến đổi khí hậu thành hiện thực.


Đây là ý tưởng của Leonard Ornstein, một nhà sinh vật học tế bào thuộc Đai học Y khoa Mount Signal, California cùng 2 nhà mô hình học khí hậu David Rind và Igor Aleinov ở Viện Nghiên cứu Không gian Goddard của NASA tại New York.

Sáng kiến của họ là khử muối nước biển ở các đại dương gần sa mạc rồi đưa vào đất liền bằng các ống dẫn nước và máy bơm để trồng cây.

Việc sử dụng hệ thống ống dẫn nước để tưới cây sẽ hạn chế được lượng nước thất thoát do bốc hơi và thẩm thấu trong cát, giúp cây cối phát triển tươi tốt ở những vùng đất khô cằn hiện nay.

Theo mô hình khí hậu của nghiên cứu, những rừng cây này có thể khiến nhiệt độ ở một số nơi của sa mạc Sahara giảm tới 8oC.

Những vùng đất được trồng cây này cũng có thể mang lại lượng mưa lớn hơn – khoảng 700 đến 1200 mm mỗi năm, và tạo ra nhiều mây giúp phản chiếu các tia mặt trời vào không gian.

Nhóm nghiên cứu cho biết, kế hoạch này cũng có thể áp dụng đối với những vùng đất khô cằn, xa xôi hẻo lánh ở Australia.
 
Theo Ornstein, bạch đàn và một số loại cây nhiệt đới khác, ngoài đặc tính phát triển nhanh, còn có khả năng chịu nhiệt do có nguồn dự trữ nước dồi dào trong rễ. Nếu phần lớn sa mạc Sahara và các vùng đất khô cằn ở Australia được trồng các loại cây này, bầu khí quyển có thể giảm được khoảng 8 tỉ tấn các-bon mỗi năm – gần bằng lượng các-bon phát thải từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch và rừng ngày nay. Khi những rừng cây này phát triển, chúng sẽ tiếp tục hấp thu một lượng các-bon tương đương trong các thập kỷ tiếp theo.

Tuy nhiên, dự án này sẽ rất tốn kém. Tổng cộng các khoản chi phí xây dựng, vận hành và duy trì các máy thẩm thấu đảo chiều để khử muối và các thiết bị tưới tiêu, các nhà nghiên cứu ước tính chi phí sẽ vào khoảng 2 nghìn tỷ USD mỗi năm.

Khoản phí này có thể sánh ngang với chi phí cho lưu trữ CO2 từ các nhà máy nhiệt điện trong lòng đất, một kế hoạch ước tính tiêu tốn khoảng 200 USD cho mỗi tấn các-bon, theo nghiên cứu gần đây của Trung tâm Khoa học và các vấn đề Quốc tế Belfer thuộc Đai học Havard; và cũng ngang ngửa với chi phí khoảng 400 USD để lưu trữ mỗi tấn các-bon thông qua trồng cây gây rừng.

Thêm vào đó, kế hoạch trồng cây vùng sa mạc cũng có thể mang lại những hiệu ứng phụ. Độ ẩm tăng có thể gây ra dịch châu chấu ở Châu Phi, hiện tượng vốn vẫn xảy ra trong những năm khí hậu ẩm ướt. Trồng rừng cũng có thể làm ẩm đất, ngăn cản quá trình cuốn bay lớp bụi giàu chất sắt từ Sahara sang Đại Tây Dương để nuôi dưỡng các loài sinh vật biển.

Tuy nhiên, theo nhà khí quyển học Richard Anthes, chủ tịch Hội Nghiên cứu Khí quyển ở Boulder, Colorado (Mỹ) bất kể những hạn chế này, đề xuất trên vẫn “vô cùng quan trọng và rất đáng được cân nhắc kĩ lưỡng và nghiên cứu sâu hơn. Lợi ích mà kế hoạch này mang lại có thể rất lớn và vượt xa việc lưu trữ các-bon, giúp tạo ra những vùng đất màu mỡ và có thể sinh sống.