ThienNhien.Net – Vườn quốc gia Hoàng Liên – Lào Cai là một trong những khu rừng đặc dụng có độ đa dạng sinh học cao ở Việt Nam, đã được công nhận là Vườn di sản ASEAN, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều du khách đến với địa danh này . Bởi vậy, vấn đề được đặt ra là, liệu việc đưa khu Vườn quốc gia này vào khai thác với mục đích du lịch có làm ảnh hưởng tới cảnh quan tự nhiên của khu rừng, vốn được địa phương và các tổ chức nghiên cứu khoa học trong nước cũng như quốc tế đang dày công bảo vệ.
Vườn quốc gia Hoàng Liên – Lào Cai được thành lập năm 2002, trước đó có tên gọi là khu bảo tồn thiên nhiên Hòang Liên. Đây là một trong những khu rừng đặc dụng quan trọng của Việt Nam, nằm ở độ cao từ 1.000 đến 3.000m so với mặt biển, trong đó có đỉnh Phan Xi Păng cao nhất Đông Dương (3.143m).
Trong vùng đệm của Vườn quốc gia Hoàng Liên có thị trấn Sa Pa, và từ lâu, thị trấn vùng cao này đã trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của Việt Nam. Du khách đến Sa Pa có thể tiếp tục hành trình theo các tuyến du lịch đến các khu vực thuộc vườn quốc gia Hoàng Liên như chinh phục đỉnh Phan Xi Păng, vượt đèo Ô Quy Hồ, khám phá văn hóa các dân tộc thiểu số sinh sống trong vùng đệm của vườn.
Tuy nhiên trong cơ chế “bung ra”, nhà nhà làm du lịch, một thời gian dài trước 2002, Khu bảo tồn thiên nhiên trở thành điểm khám phá, tham quan của khách du lịch thập phương. Khách ngoài tỉnh và ngoài nước tự thuê người địa phương mở đường dẫn lối, mặc sức cắt ngang, xẻ dọc đến những điểm mình muốn, tới đâu hạ trại đun nấu, ngủ luôn tại đó. Chính vì vậy, khu bảo tồn thiên nhiên đứng trước nguy cơ trở thành bãi rác với những túi ni lon, hộp nhựa… chưa nói đến cây cối, thảm thực vật bị chặt phá bừa bãi.
Đến năm 2006, Vườn quốc gia Hoàng Liên được công nhận là Vườn di sản ASEAN. Cũng từ đó, công tác kiểm tra quản lý từng bước được thực hiện quy củ, phân chia thành các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có sự tham gia vào cuộc của “4 nhà”: Nhà nước, nhà khoa học, nhà du lịch và nhà nông. Trong đó 11.875ha/29.000 ha thuộc khu bảo vệ nghiêm ngặt, 17.900ha thuộc phân khu phục hồi sinh thái, còn lại là phân khu dịch vụ hành chính chiếm 70ha.
Tại đây, du khách muốn tham quan du lịch phải đi theo tuyến, có hướng dẫn viên là cán bộ Vườn phối hợp với Phòng văn hóa du lịch hướng dẫn, quản lý.
Theo ông Phạm Văn Đăng – Giám đốc Vườn, mỗi ngày ít nhất có năm đoàn, một tháng có khoảng từ 60 đến 100 khách tham gia các tour leo núi.
Lực lượng bảo vệ mỏng, suốt chiều dài 14 km từ chân núi lên đến đỉnh Phan Si Păng chỉ có một trạm dừng chân ở độ cao 2.900 m, nhưng dọc đường đều có biển chỉ dẫn lối đi, thùng đựng rác, nội quy tham quan Vườn. Mới đây, Ban quản lý Vườn quốc gia Hoàng Liên đã ký kết với các hộ dân trong vùng tham gia bảo vệ và phát triển vườn.
Đến đầu quý IV năm 2009 đã có trên 300 hộ dân ở 6 xã vùng đệm là: San Sả Hồ, Lao Chải, Tả Van, Bản Hồ thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai và một phần thuộc các xã Mường Khoa, Thân Thuộc huyện Tân Uyên (Lai Châu) ký cam kết tham gia bảo vệ rừng và thú rừng; phát triển du lịch cảnh quan sinh thái nhưng không xâm hại đến rừng, không vứt rác thải, hoá chất gây tác động xấu đến môi trường sinh thái của vườn. Ban quản lý vườn cũng có kế hoạch hỗ trợ rút những hộ dân ra khỏi vùng lõi để tập trung cho công tác tu bổ, bảo vệ phát triển vốn rừng.
Sự hợp tác này đã phát huy hiệu quả thông qua việc tổ chức thành công hai giải đua leo núi chinh phuc đỉnh Phan Si Păng 2007, 2008 và cuối tháng 10 tới đây, giải chinh phục đỉnh Phan Si Păng lầng thứ ba năm 2009 sẽ được tổ chức.
Theo thạc sỹ Nguyễn Đình Dũng – Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, chương trình năm nay sẽ là một chương trình “đột phá” với những hoạt động mới mẻ, hấp dẫn trên đường chinh phục Phan Si Păng nằm trong tua ba ngày hai đêm xuất phát từ hướng thác Cát Cát, thay vì xuất phát từ Núi Xẻ – Trạm Tôn và dự kiến sẽ có không dưới 200 vận động viên của các đoàn ngoài tỉnh, ngoài nước tham gia.
Chuẩn bị cho giải đua lớn này, Vườn quốc gia Hoàng Liên đã phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn, tham khảo ý kiến các nhà khoa học, đưa ra những quy định nghiêm ngặt để chung tay góp sức cùng bảo vệ môi trường khu Vườn.
Ông Phạm Tiến Dũng – Trưởng Phòng Văn hoá – Du lịch huyện Sa Pa cho biết, từ khi được đưa vào quản lý và khai thác, hoạt động du lịch sinh thái tại Vườn không chỉ tăng thêm tuyến du lịch hấp dẫn đối với du khách – nhất là khách nước ngoài mà còn tạo cơ hội cho nhiều lao động địa phương có việc làm, tăng thu nhập thông qua tiếp cận với loại hình dịch vụ mới – dịch vụ dẫn khách khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn nguyên sơ của Vườn quốc gia Hoàng Liên…