ThienNhien.Net – Diễn đàn Khuyến nông @ Công nghệ “Sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP” do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quốc gia (Bộ NN và PTNT) vừa tổ chức tại Hải Phòng đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý và đặc biệt là các doanh nghiệp và hộ nông dân. Gần 100 câu hỏi về quy trình kỹ thuật cũng như các chủ trương, chính sách để phát triển sản xuất rau an toàn được đặt ra tại diễn đàn là minh chứng cho nhu cầu mở rộng phát triển sản xuất rau an toàn của các địa phương, đồng thời cũng cho thấy cần nhiều hơn nữa cơ chế, chính sách cho chương trình này rộng đường phát triển như cách mà Hải Phòng – địa phương có diện tích rau an toàn phát triển khá nhanh đang thực hiện.
Đầu tư đồng bộ
Được đánh giá là một trong những địa phương triển khai thực hiện tốt chương trình sản xuất rau an toàn, đến nay trong tổng số gần 14.000 ha diện tích trồng rau các loại, Hải Phòng đã có vùng sản xuất rau chuyên canh gần 600 ha được áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn. Cơ chế hỗ trợ vùng sản xuất rau an toàn chất lượng cao với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/ha cho công tác cải tạo đồng ruộng, 30% cho xây dựng kho lạnh, giống mới, hỗ trợ năm đầu kinh phí giống với mức 2,5 triệu đồng/ha… chính là những chính sách đòn bẩy để chương trình sản xuất rau an toàn của thành phố phát triển tương đối nhanh. Nhiều dự án phục vụ mục tiêu mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn cũng đang được triển khai đồng bộ và tập trung với các nội dung: quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn vệ sinh thực phẩm, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất rau an toàn, nâng cao năng lực quản lý, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật…
Ông Dương Đức Tùng – Phó giám đốc Sở NN và PTNT Hải Phòng cho biết, để sản xuất được rau an tòan trước hết địa phương phải xây dựng được quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn với những điều kiện phù hợp, cùng với đó là xây dựng các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đồng ruộng như kênh mương, hệ thống tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, kho lạnh, nhà sơ chế…
Bên cạnh việc quy hoạch và đầu tư hạ tầng sản xuất, thành phố Hải Phòng cũng quan tâm đến giải pháp đầu tư đồng bộ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, trong đó khâu sản xuất được hỗ trợ, hướng dẫn và giám sát kỹ thuật từ Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư; khâu tiêu thụ được đảm bảo bởi các doanh nghiệp, hợp tác xã với đầu mối tiêu thụ qua các hợp đồng với các bếp ăn tập thể của các nhà máy, xí nghiệp, các trường học, siêu thị và các điểm tiêu thụ rau an toàn được xây dựng trên địa bàn toàn thành phố.
Đến nay, Hải Phòng đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư phát triển sản xuất rau an toàn với sự đ ầu tư đồng bộ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ như HTX An Thọ (xã Thọ An, huyện Thọ Lão), Trung t âm Giống và Phát triển nông lâm nghiệp công nghệ cao, Công ty TNHH nuôi trồng và chế biến thực phẩm Phú Cường…
Cần thêm cơ chế
Theo PGS – TS Trần Khắc Thi – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu rau quả (Bộ NN và PTNT), diện tích trồng rau an toàn của cả nước hiện còn rất thấp. Toàn vùng đồng bằng sông Hồng có gần 170.000 ha trồng rau nhưng đến nay diện tích rau an toàn mới đạt trên 14.800 ha (chiếm 8,7% diện tích trồng rau). So với các vùng khác, tỷ lệ rau an toàn của đồng bằng sông Hồng còn khá cao vì tỷ lệ chung của cả nước rau an toàn mới chỉ chiếm khoảng 5% tổng diện tích trồng rau. Diện tích thấp, đất sản xuất rau còn manh mún và quy trình sản xuất rau an toàn chưa đồng nhất giữa các địa phương chính là những khó khăn trong phát triển sản xuất rau an toàn.
Tuy nhiên, PGS – TS Trần Khắc Thi cũng cho rằng, khó khăn cơ bản nhất vẫn là nhận thức của nông dân về sản xuất rau an toàn chưa rõ ràng, thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất nên rau an toàn vẫn chưa có cơ hội phát triển mạnh mặc dù nhu cầu là rất cao.
Về góc độ thị trường, ông Nguyến Thanh Lâm – Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quốc gia cho rằng, hiện việc phân biệt rau sản xuất theo quy trình an toàn với các sản phẩm rau khác chưa rõ ràng, nhiều sản phẩm rau an toàn chưa xây dựng được thương hiệu nên hiệu quả kinh tế chưa hấp dẫn so với sản xuất rau thông thường. Bên cạnh đó, các điều kiện khác về trang thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về rau an toàn, công tác thông tin tuyên truyền về sản xuất, kinh doanh rau an toàn còn hạn chế, chưa được thường xuyên, kịp thời nên một bộ phận cán bộ và số đông nông dân còn thiếu thông tin về quản lý, sản xuất, tiêu thụ rau an toàn.
Với kinh nghiệm của Hải Phòng, ông Dương Đức Tùng cũng cho rằng để đảm bảo phát triển sản xuất rau an toàn cần quan tâm đồng bộ cả khâu tổ chức sản xuất và tổ chức tiêu thụ. Nếu chỉ quan tâm khâu sản xuất an toàn mà không chú trọng tới khâu tiêu thụ, không xây dựng thương hiệu, không ký kết được các hợp đồng tiêu thụ, không xây dựng được các điểm tiêu thụ thì sản xuất cũng “chết yểu”. Tuy nhiên, nếu các cơ quan chức năng cũng chỉ quan tâm khâu kiểm tra, kiểm định, giám sát rau an toàn ở đầu tiêu thụ mà không lo khâu hỗ trợ tổ chức sản xuất thì cũng không thể có rau an toàn.
Bên cạnh đó, theo TS. Phạm Đồng Quảng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN và PTNT), các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất rau an toàn cần kéo dài thời gian hỗ trợ ít nhất là 5 năm vì chuyển đổi sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn là quá trình thay đổi tập quán sản xuất, thay đổi nhận thức của người dân, hình thành cho người dân trách nhiệm với sản phẩm làm ra nên rất cần thời gian dài hơn để đạt được kết quả bền vững.
Theo chủ trương, đến năm 2015 tất cả những vùng sản xuất rau an toàn tập trung phải được sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Để đạt đượ c mục tiêu theo đúng lộ trình từ nay đến năm 2015, cần giải quyết đồng bộ các giải pháp về khoa học công nghệ, quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, hình thành mô hình tổ chức sản xuất khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ và hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về sản xuất rau an toàn.