Mô hình nuôi cá lóc ở thành phố Hà Tĩnh

ThienNhien.Net – Xu thế thu hẹp diện tích đất sản xuất đang đặt ra cho ngành nông nghiệp thành phố Hà Tĩnh yêu cầu tìm tòi, ứng dụng các giống cây con mới nhằm nâng cao chất lượng sản xuất. Đối với lĩnh vực Nuôi trồng thủy sản, những năm gần đây, thành phố đã du nhập nhiều con nuôi mới vào thả nuôi có hiệu quả, trong đó có các lóc bông nuôi trong ao đất và bể xi măng. Mặc dù chưa được ứng dụng rộng rãi, nhưng cá lóc lai đã khẳng định sự thích nghi và hiệu quả kinh tế của nó ở những ao đầm thành phố.


Ông Nguyễn Thừa Tuất – Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Khoa học kỹ thuật (Trạm Khuyến nông) thành phố Hà Tĩnh cho biết, từ năm 2007, mô hình nuôi cá lóc trong ao đất đã được xây dựng ở phường Trần Phú do hộ anh Trần Xuân Lĩnh – tổ 8 thực hiện. Được thành phố đầu tư hỗ trợ 40% tiền mua giống và 20% tiền thức ăn(tổng trị giá 11,9 triệu đồng), anh Lĩnh thả 6.000 con giống trên diện tích mặt nước 2.000 m2 có kè bờ cao. Sau 5 tháng thả nuôi, mặc dù có chịu thiệt hại bởi lũ lụt nhưng, anh Lĩnh vẫn thu hoạch được hơn 1,5 tấn cá lóc thương phẩm với giá trị trên 50 triệu đồng. Từ thành công bước đầu của mô hình điểm, một số hộ có điều kiện ở các xã: Thạch Linh, Thạch Hưng, Thạch Bình đã đưa cá lóc về nuôi với hình thức nuôi xen ghép với những loại cá truyền thống như chép, mè, rô phi…

Cá lóc không còn là đối tượng nuôi mới nhưng mới chỉ có số ít người dân thành phố tiếp cận được. Vì vậy đến năm 2009, Trung tâm Chuyển giao Khoa học kỹ thuật thành phố phối hợp với Chi cục nuôi trồng thủy san xây dựng mô hình nuôi cá lóc trong áo đất ở phường Văn Yên, nhằm tạo thêm cơ hội để nhân rộng hơn nữa hướng phát triển cá lóc bông ở nhiều phường, xã hộ tụ đủ điều kiện nuôi ở thành phố. Hộ anh Lê Minh Hoan – xóm Văn Thịnh được chọn thực hiện mô hình và được đầu tư 15 triệu đồng để kè bờ ao và mua con giống. Với diện tích nuôi 500m2, anh Hoan thả 2 vạn con giống, sau 4 tháng nuôi đã bắt đầu thu hoạch tỉa.

Chủ mô hình Lê Minh Hoan cho biết: “Cá lóc tiêu thụ thuận lợi ở địa bàn thành phố. Gia đình vừa bán tỉa hơn 2 tạ với giá bán trên thị trường khoảng 50 ngàn đồng/kg. Từ nay đến lúc thu hoạch hết sẽ có gần 2 tấn cá thương phẩm, trừ chi phí còn lãi khoảng 50 triệu đồng. Nuôi cá lóc khá đơn giản vì loại cá này chống chịu tốt với môi trường và tạp ăn. Tuy nhiên, thức ăn cho nó đòi hỏi phải có cá tươi xay nhỏ vì vậy đòi hỏi người nuôi phải có vốn và chịu khó”.

Bên cạnh thành công từ mô hình nuôi cá lóc trong ao đất, mô hình nuôi cá lóc trong bể xi măng do anh Lê Văn Ngụ cũng ở phường Văn Yên tự bỏ vốn đầu tư thực hiện đã góp thêm hình thức nuôi mới cho loại cá này. Chỉ với 120 m2 chia làm 6 bể xi măng, anh Ngụ thả 1,2 vạn giống gồm 2 loại – cá lóc bông và các lóc đen, nuôi theo phương thức công nghiệp. Sau 6 tháng nuôi, hiện 2/3 số lượng các lóc đen đã cho thu hoạch. Uớc tính, tổng sản lượng nuôi của gia đình anh Ngụ khoảng 3,5 tấn, đạt doanh thu 150 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 70 triệu đồng.

Theo Kỹ sư Hồ Diệu Hồng – Trung tâm Chuyển giao Khoa học kỹ thuật thành phố, mặc dù đây mới là mô hình thử nghiệm đầu tiên nhưng tính ưu việt của phương thức nuôi cá lóc trong bể xi măng đã có thể nhìn thấy như: dễ kiểm soát được môi trường nước và dịch bệnh, chủ động được nguồn nước và ít rủi ro do thiên tai do đó có thể tăng vụ nuôI, đặc biệt nhờ tận dụng được tối đa diện tích nên đã giải quyết được khó khăn thiếu ao hồ, mặt nước để thả nuôi ở thành phố.

Với những lợi thế về thị trường tiêu thụ, điều kiện kinh tế của người nuôi và đặc thù sản xuất nông nghiệp ở thành phố Hà Tĩnh, có thể khẳng định nuôi cá lóc trong ao đất và trong bể xi măng là hướng đi phù hợp và đạt hiệu quả kinh tế cao. Để giúp nhiều nông dân tiếp cận với kỹ thuật nuôi cá lóc, Trung tâm Chuyển giao Khoa học kỹ thuật thành phố đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho các hộ có nhu cầu trên địa bàn. Cùng với được trang bị kiến thức mới, các hộ này còn được tham quan 2 mô hình nuôi cá lóc trong ao đất và trong bể xi măng ở phường Văn Yên.

Đồng chí Giám đốc Trung tâm cho biết, sau khi đánh giá kết quả và tổ chức hội thảo về các mô hình này, đơn vị sẽ xây dựng kế hoạch và có chính sách hỗ trợ cụ thể nhằm nhân rộng mô hình nuôi cá lóc trong ao đất và trong bể xi măng trong những năm tới trên địa bàn thành phố nhằm giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, khai thác hết tiềm năng sẵn có ở địa phương, góp phần làm giàu cho nông dân thành thị.