Hướng người dân đến việc sản xuất rau an toàn

ThienNhien.Net – Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh Cà Mau đã thực hiện 4 mô hình sản xuất rau an toàn tại các huyện: U Minh, Trần Văn Thời, Đầm Dơi và thành phố Cà Mau; chủ yếu là cải xanh và rau muống an toàn. Mô hình này đang được khuyến khích và tập trung sản xuất theo hướng dài hạn nhằm cung cấp rau tại chỗ cho nhân dân trên địa bàn.


Tuy nhiên, do chi phí đầu tư sản xuất rau an toàn cao hơn sản xuất rau thông thường, nhưng do chưa xây dựng được thương hiệu, nên giá cả tiêu thụ rau an toàn trên thị trường chỉ ngang bằng với rau thông thường, từ đó chưa khuyến khích được nông dân đầu tư mở rộng sản xuất.

Ông Nguyễn Thông Nhận, Phó Giám đốc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: “Tại Cà Mau, thị trường rau do tỉnh ngoài cung cấp chiếm trên 70%, nên việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng rau gặp rất nhiều khó khăn. Đồng thời, để mô hình sản xuất rau an toàn ngày càng được mở rộng thì về lâu dài, sản phẩm phải có giá thành hạ mới dễ dàng tiêu thụ với lượng lớn, tuy nhiên cũng phải khuyến khích người nông dân thời gian đầu tham gia và quyết tâm sản xuất rau với tiêu chuẩn rau an toàn với những hình thức và lộ trình thích hợp để không phải vi phạm những quy định trong sản xuất”.

Hiện nay việc lạm dụng hoá chất độc hại, thuốc bảo vệ thực vật, kích thích sinh trưởng… trong sản xuất rau đang diễn ra khá phổ biến ở hầu hết các địa phương, nguy cơ mất an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rau là rất lớn. Ngành chức năng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến các quy trình kỹ thuật sản xuất rau an toàn; thực hiện nhiều chuyên mục khuyến nông trên các phương tiện thông tin đại chúng… Từ đó góp phần làm thay đổi tập tính sản xuất từ phụ thuộc vào thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học, sang sử dụng các biện pháp khác như: màng phủ nông nghiệp, nhà lưới, phân hữu cơ…

Để từng bước hướng người dân trong tỉnh đến việc sản xuất rau an toàn dùng trong gia đình và theo hướng sản xuất hàng hóa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sắp tới sẽ thực hiện việc quy hoạch tạo vành đai xanh cung ứng rau sạch cho TP Cà Mau, khuyến khích, vận động mỗi gia đình có vườn rau an toàn để bảo vệ sức khỏe cho gia đình.

Hiện nay, vệ sinh an toàn thực phẩm đang là mối quan tâm của toàn xã hội và để rau an toàn có thể phát triển bền vững, Nhà nước cần phải có biện pháp nâng cao năng lực quản lý điều hành sản xuất và kinh doanh theo hướng tổng hợp mới có thể đẩy mạnh sản xuất rau an toàn có thương hiệu, được chứng nhận sản phẩm, tăng giá trị hàng hóa nói chung. Nhờ đó, cuộc sống của người nông dân trồng rau an toàn cũng từ đó vươn lên khấm khá hơn.