Hướng tới hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về năm hổ

ThienNhien.Net – Cuối tháng 10 tới, tại Kathmandu, Nepal sẽ diễn ra Hội nghị toàn cầu về hổ. Đây là bước khởi động quá trình chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh về Năm Hổ diễn ra vào nửa cuối năm 2010 tại Thái Lan sau dịp nhóm họp Bộ trưởng các nước châu Á.


Hội nghị thượng đỉnh 2010 sẽ là một sự kiện trọng đại đối với sự sinh tồn của loài hổ, với mục tiêu chung của cộng đồng quốc tế nhằm xoay chuyển xu thế hiện tại đang có nguy cơ đẩy loài hổ đến bờ vực tuyệt chủng. Một bộ giải pháp hành động ưu tiên về bảo vệ loài hổ sẽ hình thành thừa hưởng kết quả của cuộc họp diễn ra vào tháng 10 năm nay, trên cơ sở những thách thức khó khăn, kinh nghiệm và chiến lược của từng quốc gia và bài học thực tiễn của thế giới.

Đối với Việt Nam, vấn đề bảo tồn loài hổ đã được đặt ra khá lâu. Việt Nam cũng là một thành viên tích cực của Diễn đàn hổ toàn cầu, từng đăng cai tổ chức Diễn đàn năm 2005.

Ở Việt Nam chỉ có duy nhất phân loài hổ Đông Dương (Panthera tigris corbetti). Tuy nhiên, bất chấp các nỗ lực bảo tồn, hổ cùng các loài động vật hoang dã khác vẫn dần biến mất khỏi ngôi nhà tự nhiên của chúng. Chưa có một cuộc điều tra thực tế nào để thống kê con số chính thức số lượng hổ còn lại ở nước ta, song, từ kết quả hai cuộc điều tra sơ bộ của Cục Kiểm lâm và báo cáo từ địa phương các chuyên gia và các nhà quản lý về bảo tồn ước tính con số đó có thể đang dao động ở mức 50-150 cá thể.

Chiến dịch vận động bảo tồn loài hổ do Ngân hàng Thế giới phát động hiện nay cùng với loạt sự kiện lớn diễn ra sắp tới là một cơ hội thuận lợi để chúng ta rà soát lại chiến lược bảo tồn, các hoạt động và chương trình hành động của mình và tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Một bản Báo cáo Quốc gia của Việt Nam về Bảo tồn hổ đã được soạn thảo và lấy ý kiến của giới chuyên môn và các nhà quản lý để trình lên hội nghị tại Kathmandu sắp tới.

Bản mục tiêu đề xuất năm mục tiêu lớn cho bảo tồn hổ Việt Nam, gồm: Tăng số lượng quần thể hổ tại một số khu vực tự nhiên và khu bảo tồn có lựa chọn; Đảm bảo toàn bộ số lượng hổ nuôi nhốt sinh sản phải góp phần tích cực đối với công tác bảo tồn loài ngoài tự nhiên; Kiểm soát hiệu quả nạn khai thác và sử dụng trái phép hổ, các sản phẩm dẫn xuất cũng như con mồi của chúng; Xây dựng được một hệ thống giám sát đối với hổ sinh sống trong tự nhiên, hổ nuôi nhốt cũng như việc buôn bán trái phép; Tiến tới loại bỏ nhu cầu về các sản phẩm từ hổ.

Trong các đóng góp của chuyên gia, có một số ý kiến nhấn mạnh cần chú trọng đặt biệt vào việc bảo tồn trong điều kiện tự nhiên và trong động thái phát triển của loài. Bảo tồn hổ cần được hiểu một cách mở rộng bao gồm cả bảo tồn các loài thú mồi cũng như sinh cảnh sống của chúng. Với nguồn lực có hạn, kế hoạch bảo tồn cần tập trung một cách có lựa chọn vào những khu vực then chốt và có tiềm năng lớn nhất cho việc phục hồi quần thể hổ, nhằm đạt được hiệu quả thiết thực. Vấn đề nuôi nhốt hổ, tuy chưa phổ biến, nhưng cũng cần làm rõ và có những quy định chặt chẽ để không đi ngược lại và thậm chí có thể hỗ trợ công tác bảo tồn tại chỗ.

Hy vọng rằng với khởi đầu là Bản báo cáo quốc gia – văn kiện chính thức của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế, chúng ta sẽ xây dựng được một kế hoạch hành động cụ thể và sớm đưa vào thực tiễn.