ThienNhien.Net – Ước tính mỗi năm, các vụ hỏa hoạn làm ảnh hưởng tới 350 triệu ha đất đai tự nhiên, gây thiệt hại lớn tài sản, kế sinh nhai và những tổn thất thường xuyên đối với cuộc sống con người. Nó cũng làm gia tăng tình trạng nóng lên toàn cầu, ô nhiễm không khí, sa mạc hóa và suy giảm đa dạng sinh học
Các nước đang phát triển thường dễ bị ảnh hưởng nhất đối với các thiệt hại về người, tài sản và nguồn tài nguyên thiên nhiên do hỏa hoạn gây ra.
Ở Ethiopia và Nam Sudan, lửa phá hủy hàng triệu hecta đất mỗi năm. Theo báo cáo, từ năm 2000 đến 2008, có hơn 200 000 vụ cháy xảy ra ở Sudan. Còn ở Ethiopia, cùng thời gian đó, có tới hơn 400.000 vụ cháy.
Vào đầu năm 2009, cháy rừng đã gây thiệt hại hàng triệu đôla tại California, Hoa Kỳ và bang Victoria của Australia. Vụ cháy thảm thực vật hồi tháng 2 năm 2009 tại Victoria đã giết chết 173 người, phá hủy khoảng 2.000 ngôi nhà, khiến cho 7.500 người không còn nhà cửa, thiêu rụi 450.000 ha đất và tổng số tiền bảo hiểm cho vụ cháy lên tới 1,5 tỷ USD.
Mới đây, 10 000 người đã phải di tản do không kiểm soát được vụ cháy tại miền Tây Canada. Rất nhiều lính cứu hỏa đã bị thiệt mạng trong các đám cháy dữ dội tại Ả Rập, Tây Ban Nha, miền Nam nước Pháp và đảo Sardenia của Italia.
Mật độ dân số tăng nhanh được quy là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ hỏa hoạn do nhu cầu về đất và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác tăng lên. Đa số các vụ cháy do con người gây ra, hoặc cẩu thả khi sử dụng lửa tại các khu đất nông nghiệp và đồng cỏ, khai hoang bất hợp pháp hoặc là do cố ý. Việc xây dựng trên các khu vực có nguy cơ cháy cao cũng khiến cho vấn đề kiểm soát và quản lý hỏa hoạn trở lên khó khăn hơn.
Vì cháy rừng và cháy các thảm thực vật đang gia tăng cả về tấn suất và mức độ, đặc biệt ở khu vực Địa Trung Hải, vùng cận hoang mạc Sahara ở châu Phi, Úc và khu vực Bắc Mỹ, nên công tác kiểm soát hỏa hoạn càng đặt ra cấp thiết hơn bao giờ.
Quản lý bằng công cụ tích hợp
Vì việc quản lý hỏa hoạn rất phức tạp nên cần có một phương pháp tích hợp, bao gồm việc phòng chống hỏa hoạn, kiểm tra và đánh giá nguy cơ, cảnh báo sớm, sẵn sàng cứu hỏa và phục hồi sau hỏa hoạn.
Hiện nay, Tổ chức Lương Nông quốc tế (FAO) cùng với Cơ quan Không gian Châu Âu (ESA) và Cơ quan hàng không và vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) đã sử dụng vệ tinh để kiểm soát hỏa hoạn bằng cách tạo ra một hệ thống cảnh báo sớm. Hệ thống này cung cấp dữ liệu dự báo về các địa điểm cháy rừng và ước tính thiệt hại đối với đa dạng sinh học và sinh khối
Ở cấp độ quốc gia, FAO cũng khuyến cáo chính phủ cần có các giải pháp ngăn chăn hỏa hoạn hợp lý thông qua kiểm soát việc người dân sống ở các vùng có nguy cơ cháy cao. Bên cạnh đó, các quốc gia và chương trình chống hỏa hoạn cần sự tham gia của cộng đồng địa phương, đối tượng vô cùng quan trọng để giảm thiểu và hạn chế ảnh hưởng của các vụ hỏa hoạn.