Nuôi thủy sản vì tương lai

ThienNhien.Net – <i>Nuôi Thuỷ sản vì Tương lai</i> là tiêu đề báo cáo của Viện Quan sát Thế giới nói tới nuôi trồng thuỷ sản như một giải pháp bảo vệ nguồn cá tự nhiên, đồng thời đáp ứng nhu cầu thuỷ sản đang ngày càng gia tăng của con người. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thiết thực, còn rất nhiều vấn đề tồn tại mà ngành này cần khắc phục để thực sự trở thành hướng phát triển bền vững. ThienNhien.Net xin giới thiệu dưới đây bản tóm tắt nội dung bản báo cáo này.


Nuôi trồng thuỷ sản để đáp ứng nhu cầu toàn cầu

Từ Châu Á đến Bắc Mỹ, nhu cầu của con người về cá đang ngày càng gia tăng vì đó là dạng protein có giá cả dễ chấp nhận nhất (đối với nhiều quốc gia nghèo) và vì xu hướng gần đây xem đó là thực phẩm tốt cho sức khoẻ (ở nhiều nước giàu). Nhưng chính vì nhu cầu cá tăng lên, nguồn cá đã bị khai thác quá mức dẫn đến sự suy giảm của nguồn cá tự nhiên.

Vì lẽ đó, thủy hải sản đang chuyển từ thành phần tự nhiên cuối cùng trong bữa ăn của con người thành loại thực phẩm được nuôi trồng. Thủy hải sản nuôi trồng chiếm 42% sản lượng nguồn cung thủy hải sản trên toàn cầu và hướng tới vượt mức 50% trong thập kỷ tới.

Các khu vực nuôi trồng thủy sản đang chiếm nhiều không gian hơn cả trên đất liền và dưới biển vì diện tích nuôi trồng được mở rộng ra những dòng suối, những con vịnh và biển cả. Bản thân việc nuôi thủy sản cũng dần chuyển từ thủ công, quy mô nhỏ sang nuôi công nghiệp với quy mô lớn cùng những cải tiến về công nghệ nuôi trồng, thiết kế ao nuôi và kỹ thuật gây giống.

Thủy sản nuôi có một số ưu điểm nhất định so với cá tự nhiên vì đáp ứng được nhu cầu hiện đại. Sẵn có quanh năm, không phải phụ thuộc vào thời tiết hay sản lượng đánh bắt, ngành nuôi trồng thủy sản có lợi thế hơn hẳn. Các ao nuôi thủy sản ngày càng đạt sản lượng cao hơn, chi phí nuôi thấp hơn và được mở rộng sang nhiều thị trường tiềm năng.

Một số trở ngại trong phát triển nuôi trồng thuỷ sản

Tuy nhiên, kể cả khi con người đã lựa chọn phụ thuộc nhiều hơn vào thủy sản nuôi, thì việc mở rộng ngành công nghiệp này trong tương lai vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Đó là sự khan hiếm thức ăn cho thủy sản và những vấn đề về sinh thái và xã hội phát sinh từ nuôi trồng thủy sản công nghiệp.

Các ao nuôi thủy sản thiếu sự quản lý chặt chẽ có thể gây ô nhiễm bờ biển do thức ăn và phân vượt mức giới hạn, do thủy sản thoát khỏi ao, lây lan dịch bệnh cho các sinh vật biển ngoài tự nhiên.

Hơn nữa, không phải tất cả các loài thuỷ sản đều được nuôi trồng một cách cân đôi. Ngày nay, ngành nuôi trồng thủy sản vẫn tập trung vào tảo biển, các loài giáp xác và những loài bậc thấp khác trong chuỗi thức ăn, như cá chép và cá tilapia.
 
Ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt ở những nước đang phát triển, nuôi trồng thủy sản không quan trọng ở lợi nhuận mà ở sản lượng hải sản cung cấp. Hầu hết các nơi nuôi trồng thủy sản đều ở quy mô nhỏ, có thể kết hợp chặt chẽ với trồng trọt hay chăn nuôi. Từ Phi-lip-pin đến Băng-la-det qua miền Nam nước Mỹ, những người nuôi thủy sản nhỏ thường có thu nhập cao hơn và ổn định hơn nông dân trồng trọt.

Tuy nhiên sự tăng trưởng cao nhất trong ngành nuôi trồng thủy sản ngày nay đang thật sự diễn ra ở quy mô khác: ở những khu nuôi trồng thủy sản lớn có giá trị cao, với các loài cá ăn mồi sống như cá hồi, cá vược sọc, cá ngừ và tôm. Đây được gọi là cách thức “lấy cá nuôi cá”, nghĩa là biến một số loại cá nhất định, thường là những loài nhỏ như cá trống, cá trích, cá ốt vảy nhỏ và cá vôi thành thức ăn cho các loài khác lớn hơn. Với xu hướng này, dần dần chúng ta sẽ giảm đánh bắt chuỗi sinh vật đại dương và tăng chuỗi thủy sản nuôi trồng.

Bất chấp những cải tiến về thành phần và công nghệ thức ăn thủy sản, sự tăng trưởng nhanh chóng trong nuôi trồng thủy sản trong những thập niên gần đầy đã vượt quá sự tiến bộ của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi. Nhu cầu toàn cầu về thủy sản nuôi đang tạo một khuynh hướng không bền vững cho nguồn thực phẩm của thế giới.

Vì sự phát triển bền vững của ngành thuỷ sản

Khi nông dân nuôi nhiều loài thuỷ sản ăn thịt hơn thì việc tập trung vào thiết kế các khu nuôi trồng tốt cũng có thể tạo ra những khác biệt lớn. Những người nuôi cá tiến bộ đã bắt đầu tái thiết kế ao nuôi của mình theo hướng có lợi cho môi sinh hơn. Những ao nuôi có tỷ lệ kết hợp cao với chăn nuôi và trồng trọt có thể giảm đáng kể ô nhiễm nguồn nước và dịch bệnh. Đó cũng là cách tái sử dụng rất hiệu quả về mặt kinh tế, làm sạch môi sinh và dự trữ nguồn nước. Chúng cũng có thể giúp phục hồi vùng đất ngập nước và tạo thêm nguồn thủy sản tự nhiên.

Để ngăn ngừa khủng hoảng thức ăn và giảm áp lực đối với các loài thuỷ sản tự nhiên, chính nông dân có thể chấm dứt việc sử dụng cá tự nhiên để nuôi trồng thuỷ sản.

Nếu được quản lý tốt, sự tăng trưởng mạnh của ngành nuôi trồng thủy sản có thể là xu hướng triển vọng nhất đối với hệ thống cung cấp thực phẩm toàn cầu. So với chăn nuôi bò, lợn hay gà, nuôi trồng thủy sản rất hiệu quả trong sử dụng nguồn thức ăn và nước. Hơn nữa, thủy sản nuôi trồng nhìn chung vẫn ở bậc thấp hơn trong chuỗi thức ăn và ngành nuôi trồng thuỷ sản cũng ít huỷ hoại tự nhiên hơn so với việc đánh bắt cá lớn ăn mồi sống từ biển cả.

Chẳng những không gây hại đến môi trường, nuôi trồng thủy sản còn là một kênh quan trọng đóng góp vào nguồn cung thực phẩm toàn cầu.

Tuy nhiên không có gì đảm bảo rằng toàn ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản sẽ đi theo xu hướng xanh hơn. Các chính sách hỗ trợ của chính phủ và xu hướng chuyển đổi khẩu vị của người tiêu dùng sẽ là động lực cần thiết giúp người nuôi hướng đến các loài mang lại hiệu quả cao hơn như cá da trơn, các loài giáp xác, cá chép.

Cho đến nay, nhà sản xuất và các nhóm bảo tồn mới chỉ bắt đầu bàn đến các tiêu chuẩn cho thủy sản nuôi, mặc dù nhãn hiệu sinh thái cho thủy hải sản tự nhiên và các nông phẩm khác đã lan tràn. Nếu không có những tiêu chuẩn đó, những người tiêu dùng hải sản dù có trách nhiệm đến mấy cũng không thể làm gì để thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản đi đúng hướng.