Cứu “ông ba mươi”

ThienNhien.Net – Với mong muốn cứu lấy loài hổ – một báu vật của tạo hóa, trước nguy cơ bị tuyệt chủng, trong thời gian qua Trung tâm Giáo dục Thiên Nhiên (ENV) đã phát động chương trình tìm hiều về loài hổ và góp sức bảo vệ chúng, nhằm kêu gọi mọi người cùng hành động để ngăn chặn nạn buôn bán trái phép ngày càng gia tăng.

Hổ (Panthera tigris) là loài động vật hoang dã quý hiếm, thuộc nhóm 1B theo nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ, tức là không tổ chức hoặc cá nhân nào được phép mua bán, vận chuyển, nuôi giữ, săn bắt… Theo các nhà khoa học, Việt Nam hiện chỉ còn chưa đến 100 cá thể hổ hoang dã. Tuy nhiên, những con hổ cuối cùng còn lại này vẫn đang tiếp tục bị con người săn lùng để thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm của chúng.

Mới đây, vụ con hổ của Khu du lịch Đại Nam ở Bình Dương cắn chết người xuất phát từ nhiều nguyên nhân tồn tại, trong đó nguyên nhân lớn nhất là việc cho nuôi thí điểm thú dữ nhưng thiếu quy chuẩn quản lý của Nhà nước. Một lần nữa, sự việc này lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự an toàn cũng như mục đích gây nuôi ngoài bảo tồn ở các trang trại hổ tư nhân.

Trước nguy cơ đó, với thông điệp “Hãy nói “KHÔNG” với các sản phẩm làm từ hổ”, ENV khuyến khích tất cả mọi người cùng tham gia bảo vệ loài thú lớn này, bằng cách thông báo các hành vi vi phạm liên quan đến hổ như nấu cao hổ, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hay tiêu thụ hổ và các sản phẩm làm từ hổ đến cơ quan chức năng địa phương hoặc đường dây nóng miễn phí bảo vệ động vật hoang dã của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên 1800 -1522 hoặc gửi email đến hotline@fpt.vn, hay truy cập website http://www.thiennhien.org/index.php?page=hotline.

Và qua những hình ảnh dưới đây, có thể thấy tại sao cần ngăn chặn các trang trại gây nuôi hổ và bảo vệ loài động vật quý hiếm này.

 

 Ở Trung Quốc, ước tính có khoảng 5000 con hổ tại các trang trại. Các đại gia – chủ của các trang trại hổ – đang cố tình đeo đuổi đến cùng yêu sách đòi chính quyền Bắc Kinh hợp pháp hoá việc nuôi nhốt hổ vì mục đích thương mại. Các chuyên gia cảnh báo rằng điều này sẽ kích cầu tiêu thụ các sản phẩm từ hổ, tạo ra một áp lực lớn hơn cho các quần thể hổ trong tự nhiên, đồng thời gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phân biệt giữa sản phẩm hổ hợp pháp và bất hợp pháp. (Ảnh: ENV)

 

 Còn ở nước ta, vấn đề nuôi nhốt hổ đã trở thành đề tài bàn luận kể từ đầu năm 2007, khi người ta phát hiện một trang trại nhân nuôi số lượng hổ lớn tại Bình Dương. Một quyết định mới đây cho phép một số trang trại tư nhân nuôi giữ trên 40 cá thể hổ càng khiến các nhà bảo tồn cảm thấy lo ngại bởi lẽ việc hợp pháp hóa những trại nuôi này sẽ làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật và khuyến khích những người khác nuôi nhốt loài vật được bảo vệ này. Điều này sẽ dấn đến tình trạng buôn bán thương mại hợp pháp những cá thể hổ được sinh ra hoặc nuôi nhốt tại các trang trại. Trong ảnh là cá thể hổ con tại một vườn thú tư nhân và khu vui chơi giải trí dành cho người lớn ở tỉnh Bình Dương. (Ảnh Tim McCormac)

 

Luật pháp chưa nghiêm nên một số quán ăn, nhà hàng, khách sạn vẫn ngang nhiên trưng bày tiêu bản hổ ngang nhiên nơi công cộng như trong ảnh. Hẳn rằng cả chủ và khách đều không hề quan tâm rằng đó là việc làm vi phạm pháp luật.

 

 Và dù báo chí ra sức truyền thông để bảo vệ các loài động vật hoang dã đến mấy, nhưng các vụ buôn bán hổ vẫn không ngừng gia tăng. Như vụ buôn bán hai cá thể hổ này vào 01/2008. Lực lượng công an đã kịp thời phát hiện và bắt giữ. Sau đó, chúng đã được chuyển đến Trung tâm cứu hộ Sóc Sơn. (Ảnh ENV)

 

 

 Còn đây là xác của một con hổ ướp lạnh, cùng đầu và thân của một trong 4 con hổ phát hiện được tại một nhà dân ở Hà Nội vào tháng 9/2007.(Ảnh Phạm Tuyên)

 

 Thật nực cười khi rất nhiều người tin rằng những khả năng của loài hổ như sức mạnh, sự hùng dũng và sự thông thái có thể truyền vào con người nếu sử dụng các sản phẩm từ hổ, cao làm từ xương hổ.(Ảnh Phạm Tuyên)

 

Biểu tượng của sức mạnh – ông ba mươi – cũng bị mổ bụng và xẻ thịt. (Ảnh Phạm Tuyên)

 

 Thực thi pháp luật nghiêm minh và nâng cao nhận thức cộng đồng có thể là cách duy nhất để bảo vệ loài hổ ở Việt Nam. Một thành viên câu lạc bộ Thiên nhiên đang tô màu cho một bức tranh hổ trong bài học về các loài động vật nguy cấp. Em hy vọng hổ sẽ được bảo vệ trong ngôi nhà của chúng và sẽ mãi là di sản tự nhiên độc đáo của Việt Nam. (Ảnh ENV)