ThienNhien.Net – Sarawak, một bang thuộc Malaysia, nằm trên hòn đảo Borneo, là một vùng đất kỳ bí, huyền thoại của những tộc người vùng thượng lưu con sông Sarawak, thiên đường của những hang động dơi khổng lồ và những cánh rừng nhiệt đới bao la, ngôi nhà của các loài động thực vật hoang dã quý hiếm, đặc hữu như vượn cáo bay, gấu mèo, đười ươi và các loài cây ăn chuột. Song kế hoạch xây dựng đập thủy điện lớn ở đây của chính phủ Malaysia, nhằm biến Sarawak thành trung tâm công nghiệp nặng và năng lượng của Đông Nam Á, đang đẩy thiên nhiên và người dân bản địa vào một tương lai bất định.
Kế hoạch vĩ đại, phản đối dữ dội
Kế hoạch xây dựng một mạng lưới thủy điện gồm 12 con đập xuyên qua các cánh rừng nhiệt đới của Sarawak tới năm 2020 đang được triển khai, bất chấp làn sóng phản đối dữ dội từ người dân Sarawak, các tổ chức môi trường và tổ chức vì quyền lợi của người bản địa. Đến năm 2037, khoảng 51 con đập có thể sẽ được xây dựng ở đây.
Kế hoạch trên thu hút sự chú ý của công luận vào năm 2008, khi một tài liệu mật vô tình lọt ra trên một trang web của Trung Quốc. Dự án sẽ thiết lập một khu phức hợp thủy điện lớn nhất ngoài Trung Quốc do Liên doanh Dự án đập Tam Hiệp của Trung Quốc phụ trách xây dựng. 12 con đập được xây dựng đầu tiên sẽ có tổng công suất 7000 MW – cao hơn 600% so với năng suất điện hiện nay ở Sarawak.
Kế hoạch này đã đối mặt với sự chỉ trích dữ dội vì những tác động vô cùng nguy hại mà chúng có thể mang lại. Chỉ một con đập trong mạng lưới cũng có thể khiến 10.000 người bản địa phải di cư và gây ngập lụt một vùng bằng diện tích Singapore, rồi còn thêm các cộng đồng khác có nguy cơ bị nhấn chìm và có thể tới 1.000 người nữa phải di tán. Các vùng thuộc Vườn quốc gia Mulu – công viên của các hang động lớn nhất thế giới – có thể bị ngập chìm, đe dọa phá vỡ một Di sản Văn hóa Thế giới đã được UNESCO công nhận.
Theo chính phủ Malaysia, lý do xây dựng các con đập là nhằm phát triển nền công nghiệp ở Sarawak. Hành lang Năng lượng Tái tạo của Sarawak (SCORE), một khu vực tiềm năng phát triển kinh tế với diện tích 320 km hứa hẹn mang đến cơ hội việc làm và phát triển hạ tầng cho bang Sarawak, vốn đang có thu nhập và trình độ nhân công dưới mức trung bình. Hành lang này được kỳ vọng sẽ sản xuất năng lượng tái tạo với mức phí rẻ cho các ngành công nghiệp sử dụng điện năng cao.
Các nhóm môi trường cảnh báo rằng tình trạng các lò nấu chảy kim loại và tinh chế kim loại mọc lên tràn ngập quanh các đập thủy điện sẽ tạo ra lượng lớn chất thải, gây ô nhiễm môi trường. Các tổ chức phi chính phủ địa phương lại đặt câu hỏi về việc làm cho người bản địa buộc phải di cư.
Các con đập này sẽ cung cấp điện cho bán đảo Malaysia qua đường cáp 700 km dưới biển. Dự án cáp này cuối cùng đã được chính phủ Malaysia phê duyệt vào tháng 4 năm nay sau khi nhiều lần bác bỏ và xem xét lại. Các nhà môi trường học cũng bày tỏ quan ngại đối với sự an toàn của hệ thống cáp ngầm này vì nó phải đi qua một vùng chịu ảnh hưởng động đất.
Sarawak được kỳ vọng trở thành ngôi nhà điện năng của vùng Đông Nam Á, một phần trong kế hoạch kết nối hệ thống điện giữa các quốc gia ASEAN vì lợi nhuận chung.
Ý định xuất khẩu lượng lớn điện của chính phủ ít được biết đến. Người dân bản địa đã không được giải thích về các kế hoạch đầy tham vọng này khi bị đẩy ra khỏi vùng đất mà họ đã sinh sống bao thế hệ. Họ chỉ được thông báo về một ngành công nghiệp mang theo nhiều cơ hội việc làm và triển vọng phát triển, nào biết rằng mình sẽ phải rời bỏ nhà cửa để cung cấp điện cho các nước láng giềng.
Không lâu sau khi kế hoạch 12 con đập bị lộ, Liên hiệp Các Tổ chức Phi chính phủ Malaysia đã yêu cầu chính phủ xây dựng một chính sách năng lượng toàn diện và cho rằng chiến lược năng lượng hiện nay thiếu nhất quán với các nguyên tắc phát triển bền vững.
Trong khi những người ủng hộ dự án coi các con đập là nguồn năng lượng sạch, nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng các con đập lớn thải ra lượng lớn khí cacbonic và metan vì chúng khiến thảm thực vật ngập úng. Hơn thế nữa, các con đập sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thủy văn của con sông, gây những tác động không thể lường trước đối với toàn lưu vực.
Những người phản đối dự án cho rằng tác động từ việc xây dựng đập đến môi trường Sarawak và cộng đồng dân cư bản địa là rất lớn, bao gồm ngập lụt trên quy mô lớn các khu vực rừng nguyên sinh, mất chỗ ở của hàng ngàn người dân bản địa, phá hủy hệ sinh thái rừng, ảnh hưởng đến các động thực vật đặc hữu đang bị đe doạ tuyệt chủng và huỷ hoại sự đa dạng sinh học ở vùng thượng nguồn.
Với công suất dự kiến 2.400 MW, Bakun là con đập lớn nhất và là một trong bốn con đập đầu tiên của dự án được xây dựng, cùng ba con đập khác là Murun, Baram và Balled. Kể từ khi được đề xuất vào năm 1980, kế hoạch xây dựng đập Bakun đã hai lần bị xếp xó vì lý do tài chính. Thất bại liên tiếp của đập Bakun đã bị công bố rộng rãi và thường bị coi là điển hình thể hiện sự yếu kém của chính phủ trong hoạch định cũng như sự thiếu quan tâm tới người dân và môi trường. Với các nhà phê bình, nó còn là lý do để nghi ngờ khả năng tài chính của chính phủ.
Thiệt thòi thuộc về người dân và hệ sinh thái
Đập Bakun được dự đoán sẽ gây ra lũ lụt khoảng 700 km2 diện tích rừng nhiệt đới. Các nhóm môi trường gần đây đã tiết lộ rằng khu vực này đã bị thiêu trụi, góp phần làm dày thêm sự ô nhiễm có sẵn trong vùng.
Chỉ riêng đập Bakun đã chiếm chỗ ở của 10000 dân bản địa ở Sarawak với chi phí tái định cư lên đến hơn 248 triệu USD. Trong khi đó một số người dân cho biết họ đã phải tự trang trải tiền xây nhà mới ở khu tái định cư, thậm chí nhiều người còn chưa nhận được tiền bồi thường từ cách đây hơn 10 năm.
Các quyền của cộng đồng bản địa bị vi phạm và những tổn thất về mặt xã hội mà cộng đồng đang phải gánh chịu vẫn tiếp tục không được chính phủ giải quyết.
Cộng đồng người Penan nơi đây đã phải đấu tranh để thích nghi với cuộc sống mới. Đây là bộ lạc bán du cư săn bắt, hái lượm nên họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thích nghi với hình thức thâm canh tại chỗ và phương thức trao đổi tiền tệ.
Người dân vẫn còn đối mặt với các trở ngại trong việc tiếp cận đất đai, một số đất họ được cấp lại không canh tác được. Nhiều hộ bị cắt điện và nước vì họ không thanh toán hóa đơn đơn giản chỉ vì họ hoàn toàn chưa sẵn sàng theo lối sống sử dụng tiền tệ.
Hiện nay 1000 người nữa đã đến hạn di dời do công trình đập Murum công suất 920 MW dự kiến hoàn tất năm 2013. Công trình bắt đầu vào tháng 05 năm nay.
Trong số những cộng đồng bị tản cư có cộng đồng Penan của Long Jaik. Song người dân ở đây khẳng định rằng họ sẽ vẫn ở lại đây dù cho chính phủ có kế hoạch tái định cư cho họ.
Sau khi đã chứng kiến cảnh ngộ của những người bị sơ tán khác để nhường đất cho đập Bakun, người dân trong cộng đồng Long Jaik lo ngại rằng họ sẽ không được bồi thường đầy đủ: “Nếu chúng tôi rời khỏi đây và quên lãng tổ tiên, ai sẽ sở hữu, sử dụng và chăm lo cho vùng đất này? Người Trung Quốc sẽ sử dụng nó. Họ không phải là chủ nhân nhưng sẽ giữ nó cho riêng mình và chúng tôi không thể săn bắn hay bắt cá ở đây nữa trong khi chúng tôi mới là những người chủ hợp pháp.”
Việc đánh giá tác động môi trường cho con đập thứ ba – Baram – hiện đã khởi động. Nhưng theo Raymond Abin thuộc BRIMAS, cộng đồng địa phương vẫn chưa được hỏi ý kiến. Lần đầu tiên họ biết đến đề xuất xây dựng con đập là khi các chuyên gia tư vấn đến tiến hành khảo sát. Và một cách mù mờ, họ được cho biết một sự thật có chọn lọc về phương thức sử dụng lượng điện năng tạo ra.
Một công viên quốc gia, môi trường sống quan trọng của các loài chim đặc hữu vùng cao nguyên là điểm xây dựng con đập thứ 4 mang tên Balleh dự kiến hoàn thành vào năm 2017. Theo Tổ chức Thiên nhiên Malaysia, đây là nơi có nền địa chất độc đáo với các vách đá núi lửa ngoạn mục. Với di sản địa chất phong phú, vùng Balleh là di sản vô giá của nhân loại.
Chính phủ Malaysia thấy được giá trị kinh tế từ con sông Sarawak, từ nguồn điện mà con sông có thể cung cấp, nhưng có một giá trị hoàn toàn khác nằm ở sự giàu có của thiên nhiên, bên cạnh giá trị sinh học vốn có của chúng, lại chưa được đánh giá đúng mức. Các phương thuốc điều trị HIV và ung thư nằm trong các cánh rừng Sarawak, một số đã ở giai đoạn cuối để phát triển thành dược phẩm. Còn biết bao phương thuốc tiềm năng đang đợi chờ khám phá có thể sẽ vĩnh viến mất đi trước khi chúng được tìm thấy nếu rừng tiếp tục bị tàn phá.
Giải pháp nào cho hệ sinh thái
Các con đập Sarawak sẽ gây ra nhiều thảm họa hơn là việc mất rừng, song điều đáng nói ở đây là có nhiều cách tạo ra nguồn tài chính từ việc gìn giữ hệ sinh thái nguyên thủy. Các nhà khoa học và chính trị gia đang ráo riết tìm kiếm những mô hình tài chính để bảo vệ hệ sinh thái như phí dịch vụ sinh thái, ngân hành sinh học và phí cacbon. Đó có thể coi là lời giải thông minh cho vấn nạn phá rừng và biến đổi khí hậu.
Có nhiều sáng kiến đã được đề xuất nhằm giảm tình trạng phá rừng vì mục đích kinh tế thông qua việc triển khai các dự án đồn điền cây công nghiệp và xây đập thủy điện. Kế hoạch Giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng ở các nước đang phát triển (REDD) được xem là một giải pháp khả thi để bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, hiện nay các kế hoạch này cũng gặp nhiều thách thức. Để đảm bảo thành công, thì việc thiết lập những cơ cấu tài chính vững chắc, xây dựng các định nghĩa rõ ràng, quản lý và giám sát hiệu quả là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, du lịch sinh thái cũng có tiềm năng tạo ra lợi nhuận rất lớn và nếu được quản lý tốt có thể giúp bảo vệ đa dạng sinh học thay vì phá hủy nó. Madagascar là điển hình cho thấy du lịch sinh thái có thể mang lại lợi nhuận thế nào cho một quốc gia. Công tác bảo tồn ở Madagascar phần lớn được hỗ trợ tài chính từ du lịch sinh thái.
Song ít nhất là ở thời điểm hiện tại, dường như chính phủ Malaysia vẫn quyết tâm xây dựng các con đập thủy điện mà không màng đến yêu cầu tuyệt vọng của người dân và nguy cơ mất mát vĩnh viễn nguồn tài sản thiên nhiên giàu có của mình.
Liệu Sarawak có giữ lại được ít nhất một phần những cánh rừng nhiệt đới huyền thoại với hệ động thực vật phong phú? Hay tất cả sẽ tan biến trong sự phát triển của ngành công nghiệp? Câu trả lời còn phụ thuộc rất nhiều vào những hành động phía trước.