Rừng, sinh khối và REDD: nghịch lý còn đó

ThienNhien.Net – Rừng luôn là mối quan tâm của toàn nhân loại, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu như ngày nay. Việc ngăn chặn nạn phá rừng sẽ giúp loài người giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu; đó cũng là nguyên do lý giải sự ra đời của Sáng kiến Giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng ở các nước đang phát triển (REDD) của Liên hiệp quốc. Tuy nhiên, các cánh rừng chưa bao giờ rơi vào tình trạng nguy hiểm như hiện nay. Tại sao chương trình REDD lại không giải quyết được các động cơ gây nên tình trạng phá rừng? Đó là câu hỏi mà tác giả Chris Lang đặt ra trong bài viết đăng trên Bản tin Rừng mưa Nhiệt đới Thế giới số 145 mà chúng tôi xin giới thiệu dưới đây.


Giảm phá rừng là một ý tưởng hay. Ngăn chặn phá rừng lại còn hay hơn. Chi trả cho người dân bản xứ và các cộng đồng địa phương để họ bảo vệ rừng thậm chí còn tuyệt vời hơn nữa. Đó là những ý tưởng đằng sau kế hoạch giải cứu rừng mang tên REDD. Vậy lý do gì khiến REDD không thể giải quyết các động cơ của nạn chặt phá rừng?

Những tồn tại đằng sau một kế hoạch lý tưởng

Như những gì mà Phong trào Rừng mưa Nhiệt đới Thế giới (WRM) đã nhiều lần chỉ ra, một trong những hiểm họa tiềm tàng nhất đối với rừng là các đồn điền cây công nghiệp. Nỗi ám ảnh hiện nay đối với các-bon cùng thất bại của Liên hợp quốc trong việc phân biệt rừng với các đồn điền cây công nghiệp đã tạo ra động cơ lớn chưa từng có khiến rừng bị chặt phá và thay thế bằng các đồn điền cây công nghiệp.

Phần lớn mối hiểm họa đó xuất phát từ một phương án giải quyết biến đổi khí hậu sai lầm – dựa vào các đồn điền sinh khối. Theo ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu thì rừng được coi là nguồn các-bon hữu cơ, là một phần của sự cân bằng các-bon tự nhiên. Tuy nhiên, kết quả của cách tư duy sáng tạo này là các cây trồng sinh khối đang mọc lên như nấm sau mưa.

Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng các nhà máy điện sinh khối có công suất 30 000 MW vào năm 2020. Người ta từ lâu cũng đã gọi miền Nam Hoa Kỳ là “Ả-rập Sau-đi của sinh khối”. Phần lớn việc phát triển nở rộ của cây trồng sinh khối là nhằm cung cấp nguyên liệu cho các công ty điện của châu Âu, nơi sẽ có khoảng 20% tổng năng lượng được sản xuất từ các nguồn tài nguyên có thể tái tạo vào năm 2020.

Khi phát triển, những cây trồng sinh khối này cũng sẽ hấp thụ các-bon, cây càng lớn lượng hấp thụ càng nhiều. Nhưng những đề xướng về sinh khối đang bỏ qua một thực tế rằng việc đốt gỗ để tạo năng lượng cũng đồng thời tạo khí CO2, tương tự như việc ngành công nghiệp giấy và bột gỗ đã lờ đi sự thật rằng việc nghiền gỗ để sản xuất giấy cũng phát thải một lượng lớn CO2.

Dĩ nhiên, nếu những cây này được trồng lại, chúng sẽ vẫn hấp thụ CO2. Song thậm chí với những loài bạch đàn có khả năng phát triển nhanh nhất, vẫn cần tới 5 đến 7 năm trước khi chúng có thể hấp thụ lượng các-bonic do việc đốt cây gỗ tạo ra. Nếu định giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, điều chúng ta cần là thời gian 5 -7 năm muộn màng đó. Hơn nữa, cây cối ở Mỹ và châu Âu còn phát triển chậm hơn và do đó cũng cần nhiều thời gian hơn để có thể hấp thụ các-bon.

Tháng 5 năm 2009, tác giả Marshall Wise cùng các đồng nghiệp ở Đại học Maryland (Mỹ) trong một báo cáo công bố trên tạp chí Science đã đưa ra hai viễn cảnh tương lai. Một là đánh thuế tất cả lượng các-bon phát thải, bao gồm cả phát thải do chuyển đổi sử dụng đất; hai là chỉ tính thuế với lượng các-bon phát thải từ công nghiệp và nhiên liệu hóa thạch.
Trường hợp thứ hai khá hợp lý nếu coi sinh khối là “các-bon hữu cơ” và vì vậy bỏ qua lượng CO2 phát thải khi người ta đốt nó. Hệ quả của triển vọng này là “gần như tất cả số đất không được dùng để trồng rừng và cây lương thực sẽ được sử dụng để phát triển năng lượng sinh học”.

Với xu hướng đó, bài báo cũng dự đoán vào năm 2065, tất cả những khu rừng, các đồng cỏ, vùng cây bụi không được quản lý trên toàn thế giới sẽ được chuyển thành các đồn điền sản xuất năng lượng sinh học.

Những thực tế đầy nghịch lý

Tỉnh Riau, nằm trên hòn đảo Sumatra của Indonesia, là một ví dụ điển hình về việc “phá rừng trên qui mô rộng” để phát triển năng lượng sinh học. 20 năm trước đây, 80% diện tích của tỉnh là rừng nhưng hiện nay chỉ còn lại 30%. Hai công ty giấy và bột gỗ của tập đoàn Sinar Mas và Raja Garuda chính là nguyên nhân gây nên tình trạng phá rừng này. Các tập đoàn này cũng đầu tư vào các đồn điền dầu cọ lớn, khiến diện tích rừng bị phá hủy ngày càng tăng. Một trong những nguyên nhân của tình trạng phát triển đồn điền dầu cọ là nhu cầu năng lượng sinh học ngày càng lớn ở châu Âu.

Chính phủ Indonesia rất quan tâm tới REDD bởi quốc gia này hi vọng nhận được hàng triệu USD tài trợ thông qua REDD. Các vùng quê ở miền Bắc Indonesia cũng rất hồ hởi với nguồn hỗ trợ REDD, đặc biệt là vì nó cho phép họ “xanh hoá” hoạt động chiết xuất dầu. Chẳng hạn, công ty StatoilHydro của Na Uy đang triển khai các dự án chiết xuất dầu tại Indonesia, song đại sứ Na Uy tại Indonesia, ông Eivind Homme, lại tuyên bố rằng: “Na Uy đang trợ giúp tài chính cho chương trình REDD của Liên hợp quốc, một trong những dự án thử nghiệm về biến đổi khí hậu ở Indonesia”.

Indonesia từng là quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng luật về đầu tư REDD. Tuy nhiên, đầu năm nay, chính phủ Indonesia đã quyết định cho phép mở rộng các đồn điền dầu cọ trên các vùng đất than bùn. Mà để phát triển các đồn điền trồng cọ và cây lấy bột gỗ trên vùng đất than bùn, việc phát quang và làm tiêu nước cho vùng đất đó là cần thiết, trong khi quá trình đó sẽ tạo ra hàng triệu tấn CO2 trong khí quyển. Các quan chức chính quyền cũng đã cho phép các công ty sản xuất bột gỗ chặt phá các khu rừng quốc gia và làm ngơ khi họ sử dụng gỗ xẻ trái phép.

Liệu REDD có giải quyết được vấn đề phá rừng hay không? Câu trả lời sẽ là không chừng nào tình hình vẫn tiến triển như hiện nay.

Ở Papua New Guinea, chính quyền can thiệp rất yếu ớt, thậm chí chẳng làm gì để giải quyết tình trạng phá rừng lấy gỗ cho ngành công nghiệp hay cho các đồn điền trồng cọ lấy dầu. Trong khi đó họ vẫn cho phép nhiều công ty ký kết các thỏa thuận trao đổi các-bon rừng thiếu minh bạch với người dân bản địa cho các dự án REDD trong tương lai.

Nếu REDD không giải quyết được sức tàn phá của tình trạng đốn gỗ và mở rộng đồn điền công nghiệp, cho dù để tạo ra năng lượng sinh học, làm dầu cọ hay bột gỗ, thì nó sẽ còn thất bại trong việc ngăn chặn nạn chặt phá rừng. Và chừng nào định nghĩa về rừng của Liên hợp quốc còn chưa phân biệt rừng với đồn điền, sẽ không có cơ hội nào cho điều đó xảy ra.