Hệ thống thủy lợi và khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Chiều 24/09, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp các Bộ, ngành nghe báo cáo về tình hình ngập nước và ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu (BĐKH) ở nước ta trong thời gian vừa qua và sắp tới.


Theo dự báo, đến năm 2070, dòng chảy vào tháng cao điểm của sông Mekong dự báo tăng 41% ở đầu nguồn và 19% ở vùng đồng bằng. Còn vào các tháng mùa khô, dòng chảy giảm khoảng 24% ở thượng nguồn và 29% ở vùng đồng bằng. Dòng chảy mùa kiệt ở lưu vực sông Hồng giảm 19%. Điều đó có nghĩa là khả năng lũ trong mùa mưa và cạn kiệt trong mùa khô đều trở nên khắc nghiệt hơn. Đây là một trong những ảnh hưởng trực tiếp từ BĐKH, một thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, trong thời gian vừa qua, BĐKH đã gây ra những thách thức đối với ngành Thủy lợi nước ta. Trong vòng 10 năm, số trận bão đổ vào ven biển nước ta tăng 0,4 trận. Theo dự báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2010 nhiệt độ trung bình năm tăng 2,3 độ C so với trung bình thời kỳ 1980 – 1999. Tính chung cho cả nước, lượng mưa tăng khoảng 5% so với thời kỳ 1980 – 1999.

Do chế độ mưa thay đổi cùng với quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa dẫn đến nhu cầu tiêu nước gia tăng đột biến, nhiều hệ thống thủy lợi không đáp ứng yêu cầu tiêu, cấp nước. Cùng với tác động của BĐKH, nguồn nước sạch sẽ trở nên khan hiếm, có khoảng 8,4 triệu người Việt Nam thiếu nước ngọt vào năm 2050.

Cũng theo dự báo, đến năm 2050 mực nước biển có thể dâng thêm 30cm và đến năm 2100 có thể dâng thêm 75cm so với thời kỳ 1980-1999. Như vậy diện tích ngập triều thường xuyên có thể ở mức 20% và khoảng 20 triệu người bị ảnh hưởng đến nơi ở. Cũng do nước biển dâng, chế độ dòng chảy sông suối sẽ thay đổi theo hướng bất lợi, các công trình thủy lợi sẽ hoạt động trong điều kiện khác với thiết kế, làm cho năng lực phục vụ của công trình giảm.

Tham gia cuộc họp, đại diện Bộ Ngoại giao cho biết, Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về BĐKH toàn cầu do vậy có thể kêu gọi sự phối hợp của nước ngoài cùng khắc phục hậu quả của BĐKH đối với vấn đề thủy lợi. Trong đó cần có sự hợp tác với các nước trong khu vực sử dụng chung các dòng chảy sông Hồng, sông Mekong. Việt Nam cần xác định vùng trọng điểm bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH và kêu gọi các quốc gia thành viên của Công ước quốc tế về BĐKH cùng chung tay khắc phục hậu quả.

Ông Nguyễn Thế Phương – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sẽ kêu gọi sự hỗ trợ tài chính từ các nhà tài trợ (như JICA, WB…), đồng thời sẽ đề xuất với Chính phủ xây dựng cơ chế tài chính để có thể xây dựng các Chương trình Quốc gia về BĐKH. Hiện có nhiều đối tác nước ngoài đang và sẽ hỗ trợ cho Việt Nam khắc phục hậu quả của BĐKH. Tuy nhiên để tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ của các đối tác nước ngoài thì các Bộ, ngành cần xây dựng dự án và yêu cầu, đề xuất cụ thể về kịch bản của BĐKH để Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc cụ thể với các nhà tài trợ về hỗ trợ vốn, chuyển giao công nghệ… Tuy nhiên, cần có sự phân biệt giữa ảnh hưởng chung của BĐKH toàn cầu đối với thủy lợi và những vấn đề truyền thống của thủy lợi Việt Nam.

Đại diện của một số Bộ, ngành cho rằng cần có một trung tâm dữ liệu về tài nguyên nước với các đề tài khoa học cấp quốc gia; các Bộ, ngành cần có sự phối kết hợp, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ và đầu tư của các tổ chức quốc tế để xây dựng một kịch bản BĐKH chuẩn xác nhất và có kế hoạch ứng phó cụ thể.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các Bộ, ngành cần khẩn trương thực hiện 5 nhiệm vụ: Đảm bảo nhân lực cho ngành Thủy lợi (đào tạo trong nước và nước ngoài), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có đề xuất cụ thể về nhu cầu nhân lực và hợp tác nhân lực; Bộ Khoa học và Công nghệ có kế hoạch hợp tác và chuyển giao công nghệ với các đối tác nước ngoài; Bộ Tài chính cần đảm bảo nguồn vốn cho việc ứng phó với BĐKH; kêu gọi sự hỗ trợ của các đối tác nước ngoài; các Bộ, ngành rà lại các quy hoạch vùng, từ đó định hướng cụ thể cho việc ứng phó với BĐKH qua vấn đề thủy lợi.

Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài Nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải phối hợp để xây dựng tài liệu chung về quy hoạch thủy. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Danh mục dự án cần sự hỗ trợ của đối tác nước ngoài, trình Chính phủ trước ngày 05/10/2009.

Những ý kiến được nêu tại cuộc họp lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng để tham mưu cho Chính phủ chuẩn bị nội dung tham gia Hội nghị Thượng đỉnh về BĐKH toàn cầu sẽ diễn ra vào tháng 12 tới tại Đan Mạch.