ThienNhien.Net – Trước đây, người dân trong xã miền núi Thái Ninh, huyện Thanh Ba (Phú Thọ) thường phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa, chè và các loại cây trồng khác rồi vứt vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật ra bờ ruộng, đồi chè, mương nước. Đến nay, tự ý thức được việc phải bảo vệ môi trường, cả bảy khu dân cư của xã đã xây dựng được 14 lò đốt vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Đây là địa phương đầu tiên trong tỉnh, người dân tự xây dựng lò đốt nhằm bảo vệ môi trường.
Anh Phạm Xuân Trình ở khu 5 cho biết: “Gia đình tôi đóng góp 20.000 đồng để khu dân cư xây dựng lò. Mấy tháng qua, tôi đã năm lần mang vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật vào lò đốt. Không chỉ tôi mà các gia đình khác trong khu cũng tự giác làm việc này và thường xuyên nhắc nhở nhau cùng thực hiện để tạo thành thói quen. Các bờ ruộng, chân đồi chè đã không còn vỏ bao bì thuốc trừ sâu vứt bừa bãi như trước kia”.
Trước đây, người dân trong xã thường vứt vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật ra bờ ruộng, đồi chè, mương nước. Tháng 10/2007, Đảng uỷ xã Thái Ninh ra nghị quyết chuyên đề về thực hiện bảo vệ môi trường, UBND xã chỉ đạo tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường, đồng thời xây dựng quy định cho công tác này. Xã đã yêu cầu trạm y tế xây dựng thí điểm một lò đốt tiêu huỷ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại khu dân cư số 3. Việc thực hiện thí điểm có hiệu quả, xã quyết định triển khai ra diện rộng.
Các khu dân cư tổ chức họp dân lấy ý kiến và được đông đảo người dân đồng tình. Từ đó bà con đóng tiền để xây dựng 14 lò ở 7 khu dân cư trong xã. Vị trí xây lò được lựa chọn ở những nơi xa nhà dân, tập trung nhiều lúa hoặc chè và thuận lợi cho việc sử dụng. Việc đốt tiêu huỷ loại rác nguy hại này được giao cho cán bộ y tế thôn bản.
Kỹ sư Lê Toàn, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Phú Thọ, cho rằng, tuy việc đốt bằng lò thủ công chưa thể xử lý triệt để, nhưng việc này đã làm thay đổi tích cực ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là bảo vệ môi trường nước. Thay bằng việc vứt vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật ở bất cứ đâu thì nay bà con đã thu gom lại và đưa đến nơi quy định là việc làm cần khuyến khích.
Lò tiêu huỷ thủ công ở Thái Ninh được xây bằng gạch với chiều cao khoảng 80cm, rộng 90cm. Phía trên có mái che mưa, bên trong có giá đỡ bằng thép để vỏ bao bì không bị ướt, đồng thời đốt được triệt để. Chi phí xây dựng khoảng 400 nghìn đồng mỗi lò.