Tiết kiệm năng lượng – Vẫn chưa hấp dẫn doanh nghiệp

ThienNhien.Net – Vài năm trở lại đây, Chương trình tiết kiệm năng lượng (TKNL) đã được áp dụng ở khá nhiều các doanh nghiệp và đã cho thấy hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, mặc dù Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) đã có nhiều ưu đãi dành cho các doanh nghiệp tham gia chương trình, nhưng cũng không ít doanh nghiệp vẫn chưa "mặn mà" lắm với giải pháp này…


Hiệu quả từ những mô hình tiết kiệm điện năng

Fujitsu Việt Nam là một công ty sản xuất linh kiện điện tử máy tính ở Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 2. Ngay từ khi đi vào hoạt động, công ty đã xây dựng những chương trình lớn về bảo vệ môi trường trên cơ sở giảm thiểu tác động đến tài nguyên thiên nhiên, TKNL với mục tiêu giảm phát thải khí CO2 từ tiêu thụ năng lượng theo quy định của Tập đoàn Fujitsu tại Nhật Bản và có sự thống nhất trong toàn nhà máy.

Không chỉ xác định TKNL ở những khâu tiêu thụ nhiều điện năng mà Fujitsu thực hiện ở tất cả các khâu trong toàn bộ quy trình hoạt động sản xuất. Khi triển khai hoạt động TKNL, Fujitsu đã tổ chức huấn luyện và đưa vào thành quy định của đơn vị. Nhiều hành động tiết giảm năng lượng được thực hiện như: tắt 50% máy lạnh văn phòng sau 16 giờ chiều; điều chỉnh hoạt động máy lạnh theo mùa; lắp trần thạch cao để giảm thể tích phòng; lắp 5 bộ biến tần cho bơm công suất lớn; giảm tiêu thụ điện chiếu sáng bằng cách tắt 9.300 bóng đèn trong giờ cơm và ngày nghỉ, giảm 50% đèn hành lang; giảm thời gian chạy máy, thay đổi ca sản xuất tránh giờ cao điểm. Ở hệ thống thiết bị phụ, tuy lượng tiêu thụ điện không nhiều, nhưng vẫn được xem xét để sử dụng điện hợp lý như: cân đối chế độ vận hành 147 quạt thông gió hoặc hợp lý hóa số lượng đồ trong một lần giặt sấy…

Vì đã được huấn luyện và kiểm tra thường xuyên, nên TKNL đã trở thành thói quen của mọi người trong Fujitsu. Ông Lao Minh Khai, Giám đốc bộ phận quản lý thiết bị cho biết: “TKNL là một trong những mục tiêu quan trọng mà Fujitsu đang thực hiện. TKNL không có nghĩa là cắt giảm nhu cầu sử dụng, mà thông qua kiểm toán, nếu phát hiện những khâu sử dụng điện năng chưa hợp lý sẽ điều chỉnh. Trung bình mỗi năm Fujitsu tiết kiệm được 6,24 triệu kW giờ điện; tỷ lệ tiết kiệm điện lên đến 9,17% trong tổng lượng điện tiêu thụ của doanh nghiệp. Quá trình này vẫn đang được công ty tính toán để giảm thiểu nữa, năm nay ước tính tỷ lệ điện tiết kiệm sẽ khoảng 10%, tương đương 10,4 tỷ đồng”.

Tương tự, ông Trần Lê Phong, cán bộ kỹ thuật của Công ty Hiang Kie Industries (KCN Long Thành), cho biết: “Hiện Công ty tự kiểm soát năng lượng, thấy vấn đề nào hợp lý, có lợi thì làm. Chẳng hạn trước đây công ty sử dụng dầu FO để đốt lò hơi, mỗi tháng hết 900 triệu đồng, nay chuyển sang đốt bằng trấu, củi đã tiết kiệm được 500 triệu đồng/tháng!”.

Những rào cản…

Bài học sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm của công ty Fujitsu cho thấy TKNL là một hoạt động đem lại lợi nhuận không nhỏ trong bài toán thu-chi. Hiện Đồng Nai có hơn 5.000 doanh nghiệp lớn, nhỏ, tỷ lệ năng lượng tiêu thụ cho hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn chiếm 70% tổng năng lượng tiêu thụ của toàn tỉnh. Cho nên, nếu chỉ cần 30% doanh nghiệp ứng dụng giải pháp TKNL, thì lượng điện nói riêng và năng lượng nói chung của Đồng Nai tiết kiệm được là rất lớn. Thế nhưng, sau hơn 3 năm triển khai chỉ có 15 doanh nghiệp ứng dụng.


Các công ty bạn đến thăm quan, học tập Tiết kiệm năng lượng tại Công ty Fujitsu. (Ảnh: Báo Đồng Nai)

TKNL là tiết kiệm tiền, vì sao nhiều doanh nghiệp chưa “mặn mà”? Về vấn đề này, ông Lê Phát Hiển, Phó giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH-CN (thuộc Sở KH-CN) Đồng Nai giải thích: “Có những rào cản khiến doanh nghiệp chưa quan tâm đến ứng dụng giải pháp TKNL. Chẳng hạn bản thân lãnh đạo doanh nghiệp chưa hiểu hết được lợi ích to lớn của TKNL. Nhiều doanh nghiệp còn cho rằng, lượng điện năng tiết kiệm được là không đáng kể. Thêm vào đó, đang hoạt động ổn định mà phải thay đổi thói quen, quy trình, đổi ca, đổi giờ làm việc, rất dễ ảnh hưởng đến sản xuất. Không ít doanh nghiệp còn e ngại, khi ứng dụng giải pháp TKNL sẽ phải “khai báo” với đơn vị kiểm toán năng lượng về quy trình sản xuất, thông tin kỹ thuật công nghệ, lượng và chất nhiên liệu, doanh nghiệp sợ lộ bí mật công nghệ…”.

Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng giải pháp TKNL, cùng với những chương trình hỗ trợ vốn, kỹ thuật, công nghệ của Bộ KH-CN, Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH-CN Đồng Nai đã có chương trình ký kết hỗ trợ doanh nghiệp với cách làm rất linh động như: Nếu doanh nghiệp cần trang bị công nghệ, thiết bị mới nhằm TKNL, trung tâm sẽ ứng trước toàn bộ kinh phí đầu tư để doanh nghiệp mua công nghệ, thiết bị đó và chỉ thu hồi vốn sau 3 tháng với lãi suất bằng 0; hoặc doanh nghiệp có thể hoàn trả vốn hàng tháng trên phần lợi nhuận năng lượng tiết kiệm thu được. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể vay vốn với lãi suất ưu đãi từ dự án “Nâng cao năng lực sử dụng năng lượng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ” (dự án Pescme – thuộc Bộ KH-CN) và từ quỹ toàn cầu để thực hiện các giải pháp TKNL.

Ông Trần Minh Khoa, điều phối viên của Dự án Pescme nhấn mạnh: “Đồng Nai là một địa phương có tiềm năng TKNL rất lớn, nhưng có lẽ do công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp về TKNL còn hạn chế nên chưa có nhiều doanh nghiệp hưởng ứng. Theo tôi, tỉnh cần có một thể chế về vấn đề TKNL với những đề án dài hạn, ngắn hạn, từ đó lập cơ sở dữ liệu theo ngành và triển khai xuống các doanh nghiệp như một quy định. Đối với chương trình TKNL trong hoạt động sản xuất công nghiệp, khi thực hiện cần có sự cam kết giữa 3 bên: cơ quan quản lý – nhà cung cấp và doanh nghiệp để vừa bảo đảm được mục tiêu TKNL chung vừa bảo đảm cho sự tin cậy từ phía doanh nghiệp”.